Những Hiểu Lầm Và Thực Tế Khi Trở Thành Một Người Lãnh Đạo Mới
5 nămtrước 0 Bình luận 1.3k Views
Ngay cả đối với những cá nhân xuất sắc, quá trình trở thành một người lãnh đạo mới cũng là một quá trình học hỏi không ngừng và phát triển tự thân vô cùng chông gai, nhưng xứng đáng. Quá trình chuyển đổi này thường khó hơn nhiều so với thực tế do những lầm tưởng của những người quản lý mới này về vai trò của họ. Họ có thể sẽ có một số khái niệm đúng về việc trở thành một nhà quản lý như thế nào. Song, hầu hết những khái niệm ấy điều đơn giản và thiếu hoàn chỉnh hơn so với thực tế. Từ đó, họ dễ bị thất vọng vì những trải nghiệm trên con đường quản trị của họ thường khác nhiều so với kỳ vọng ban đầu của mình. Bằng việc nhận biết được những lầm tưởng này – một số đôi khi là những bí ẩn mà mọi người hay đồn đại về việc trở thành nhà quản trị – các nhà lãnh đạo mới sẽ có nhiều khả năng thành công hơn trên sự nghiệp của mình.
Lầm tưởng 1: Những nhà lãnh đạo nắm trong tay quyền lực rất lớn
Khi được yêu cầu mô tả lại vai trò của mình, những người quản lý mới thường sẽ tập trung nói nhiều về quyền lợi và quyền lực của họ khi trở thành “sếp”. Họ cho rằng vị trí này sẽ cho họ nhiều quyền lực hơn, kèm theo đó, là sự tự do và quyền tự chủ trong những quyết định mà họ nghĩ sẽ tốt cho doanh nghiệp. Không lâu sau đó, họ sẽ tự mình bị ngộp trong cảm giác bị đè nặng bởi những yêu cầu không hợp lý từ những nhà lãnh đạo ở các bộ phận khác. Những nhà quản lý mới có suy nghĩ lầm tưởng này trong đầu thường sẽ bị đánh thức bởi một sự thật tàn nhẫn. Thay vì có được quyền lực lớn lao, những nhà quản lý được nghiên cứu cho rằng quyết định của họ thường bị lệ thuộc bởi nhiều cá nhân khác nhau. Thay vì cảm thấy tự do, họ cảm thấy bị ràng buộc, đặc biệt là khi nếu họ trước đây từng là người làm việc độc lập. “Thực tế là bạn chẳng có quyền kiểm soát bất kì điều gì cả” là chia sẻ nhiều nhất của các nhà quản lý mới khi bắt đầu công việc của họ.
Lầm tưởng 2: Quyền quyết định đều phải xuất phát từ vị trí quản lý
Mặc dù việc quyền lực bị giới hạn bởi các trách nhiệm liên đới của những phòng ban trong công ty, những nhà quản lý mới thực tế cũng sở hữu một chút uy quyền của mình. Song, vấn đề đặt ra ở đây là họ thường tin rằng những quyết định mà mình đặt ra sẽ đem lại ảnh hưởng cho toàn bộ tổ chức từ trên xuống. Lầm tưởng này dẫn đến họ thường sẽ tiếp cận vấn đề một cách rất chuyên quyền, vì họ tin rằng đây sẽ là cách hiệu quả nhất để giải quyết chúng. Điều này khiến cho các quyết định thường mang tính chỉ đạo, hơn là dẫn dắt để các cấp dưới làm theo.
Tuy nhiên, những nhà quản lý mới sẽ sớm nhận ra rằng, khi có một báo cáo mới nhất gửi về đến họ, họ không cần thiết phải phản hồi. Bởi lẽ, cấp dưới của họ càng tài năng, họ càng có thể tự giải quyết vấn đề đó độc lập.
Sau một vài trải nghiệm không hay ho, các nhà quản lý mới sẽ chấp nhận một sự thật rằng nguồn gốc quyền lực của họ, thường mang tính danh nghĩa nhiều hơn. Bởi vì, quyền lực chỉ thực sự xuất hiện khi mà nhà quản lý có thể tạo dựng được lòng tin của mình và tạo được sự liên kết giữa mình và cấp dưới hoặc cấp trên. “Tôi phải mất 3 tháng để nhận ra rằng mình không ảnh hưởng đến nhiều người như tôi nghĩ” – một nhà quản lý mới thú thật.
Lầm tưởng 3: Nhà quản lý phải kiểm soát những báo cáo trực tiếp đến mình
Hầu hết những nhà quản lý mới thường khao khát sự tuân thủ của các cấp dưới của mình, một phần cũng vì cảm giác không an toàn khi họ mới bắt đầu một vị trí không quen thuộc với mình. Họ sợ rằng, nếu họ không đặt ra những yêu cầu sớm, những bản báo cáo trực tiếp từ cấp dưới sẽ lẳng lặng mà chuyển đến cấp cao hơn, mà không thông qua họ. Vì mong muốn được kiểm soát điều này, họ thường rơi vào cái bẫy quyền lực danh nghĩa – mà chúng ta đã đề cập ở trên.
Nhưng ngay cả khi họ có áp dụng một số biện pháp mạnh để kiểm soát, dù là quyền lực danh nghĩa hay quyền lực mà họ đạt được qua thời gian, họ cũng có thể nhận lại một số quả đắng. Cấp dưới có thể tuân thủ họ, nhưng chưa chắc họ sẽ gắn kết sâu đậm với nhà quản lý. Nếu họ không cảm thấy sự gắn kết, họ có thể không làm theo kế hoạch mà nhà quản lý đưa ra. Và kể cả khi họ không làm theo, nhà quản lý cũng không có cách nào phân công công việc hiệu quả. Vì thế, việc chia sẻ quyền lực của mình cho cấp dưới là một cách để tạo được sự tin tưởng giữa họ đối với nhà quản lý. Quyền lực của nhà quản lý được chia sẻ càng nhiều, lệnh họ đưa ra càng có sức ảnh hưởng.
Lầm tưởng 4: Nhà quản trị phải tập trung vào xây dựng mối quan hệ cá nhân tốt đẹp
Việc quản lý nhiều bên liên quan với nhau và tạo ra các quyền lực thực sự thường yêu cầu nhà quản lý phải xây dựng được lòng tin, sức ảnh hưởng của mình đối với nhiều người khác nhau. Nhà quản trị thường đạt được điều này bằng cách xây dựng mối quan hệ cá nhân một cách hiệu quả. Song, dù là cách gì đi nữa, nhà quản lý mới phải tìm ra được cách khai thác được sức mạnh của cả một nhóm, hơn là từng cá nhân một. Khi một nhà quản lý tập trung quá nhiều vào một mối quan hệ một-một, họ thường bỏ qua những yếu tố cơ bản để trở thành một nhà lãnh đạo hiệu quả: Khai thác được sức mạnh của một tập thể để cải thiện hiệu suất và sự cam kết của từng cá nhân. Bằng việc xây dựng văn hóa nhóm, một người lãnh đạo có thể khai phóng được những cá thể tài năng khác nhau trong một nhóm trong việc giải quyết vấn đề.
Lầm tưởng 5: Nhà quản lý phải đảm bảo mọi thứ hoạt động yên ổn
Cũng giống như các lầm tưởng khác, lầm tưởng này thoạt đầu có vẻ hợp lý nhưng thực tế lại không phải là toàn bộ câu chuyện. Đảm bảo hoạt động diễn ra ổn định là một trọng trách vô cùng khó khăn, đòi hỏi nhà quản lý phải kiểm soát được vô số vấn đề cùng một lúc. Kết quả là, mức độ duy trì sự ổn định càng cao càng khiến nhà quản lý mới cảm thấy bị kiệt quệ và tiêu tốn rất nhiều thời gian.
Nhưng những nhà quản lý mới cần phải nhận ra rằng, họ chứ không phải ai khác là người chịu trách nhiệm cho việc đề xuất và thực thi các thay đổi để tăng cường hiệu quả của nhóm họ. Thường là quy trình đầy thách thức này sẽ đòi hỏi họ phải có tầm nhìn và hiểu biết vượt xa hơn những quyền lực danh nghĩa mà họ đang sở hữu. Chỉ khi họ hiểu được một phần công việc này của nhà quản trị, những nhà quản lý mới nổi mới có thể xác định được trách nhiệm lãnh đạo của họ một cách nghiêm túc.
Tưởng tượng và thực tế của một nhà điều hành mới nổi
Tóm lại
Những nhà điều hành thường bị lầm tưởng khi họ đứng trong vai trò quản trị lần đầu tiên của mình. Chỉ hàng chục năm sau, họ mới hồi tưởng lại những năm tháng ấy đã rèn giũa được tính cách và triết lý lãnh đạo của mình như thế nào trong suốt sự nghiệp của mình. Vì vậy, họ sẽ không tránh khỏi những lầm tưởng mà cảm giác làm “sếp” mang lại cho họ. Những lầm tưởng này, vì chúng chỉ thể hiện được sự đơn giản và thiếu hoàn thiện trong tầm nhìn, thường dẫn họ đến những trách nhiệm lãnh đạo không đáp ứng được kỳ vọng của bản thân và tập thể.
——————–
Bạn nghĩ như thế nào về bài viết này? Hãy comment cho chúng tôi biết ý kiến của bạn nhé!
Theo HBR
PRIMUS – FIRST CLASS JOBS ONLY