• English

Điều Gì Tạo Nên Nhà Lãnh Đạo Tài Ba?

Mỗi tháng hai trong suốt 35 năm qua, giải bóng bầu dục lớn nhất hành tinh National Football League sẽ bắt đầu tổ chức chương trình tập huấn, nhằm đánh giá các kỹ năng của các cầu thủ trước khi họ tham gia mùa giải. Các cầu thủ sẽ được đánh giá thông qua một số bài kiểm tra về độ bền, cơ bắp và sự dẻo dai. Việc tuyển chọn các cầu thủ để họ tham gia vào giải sẽ phụ thuộc vào phần trình diễn của họ trong bài kiểm tra này. Do đó, có thể nói các bài kiểm tra này được xem là yếu tố hàng đầu cho định hướng  sự nghiệp của một cầu thủ sau này.

Tương tự như việc NFL kết hợp những phẩm chất này để dự đoán đâu là các ngôi sao tương lai của giải đấu, các công ty cũng đã phát triển các mô hình phức tạp hơn để trả lời một câu hỏi có vẻ đơn giản: “Những đặc điểm nào phân biệt các nhà lãnh đạo cấp cao (C-suite) tài ba trong tương lai?” Để trả lời cho câu hỏi này, Strategy+Business đã tiến hành phân tích dữ liệu trên 2.500 giám đốc điều hành – những người đã tham gia vào các chương trình tìm kiếm C-suite kế tiếp cho công ty, cũng như làm việc với hơn 1.000 giám đốc điều hành kế cận. Strategy+Business nhận ra có bốn phẩm chất đặc biệt của các nhà lãnh đạo này giúp họ trở thành thế hệ lãnh đạo đầy tài năng tiếp theo.

1. Những nhà lãnh đạo tài năng sẽ đơn giản hóa sự phức tạp và tìm ra cách hoạt động của chúng

Khi tốc độ của sự thay đổi và gián đoạn trở nên nhanh chóng trên toàn thế giới, các nhà lãnh đạo phải đối mặt với một loạt các câu hỏi mới và phức tạp. Nhà lãnh đạo C-suite điển hình có thể xử lý lượng dữ liệu khổng lồ này với tốc độ nhanh chóng. Vì thế, khả năng “Đối phó với sự thiếu thông tin” và khả năng “Học hỏi, thích ứng nhanh” đã trở thành một tiêu chuẩn trong việc đánh giá trình độ điều hành của những nhà lãnh đạo này. Tuy nhiên, các chuyên viên thực sự nổi bật là những người không chỉ thích nghi với sự hỗn loạn trong công ty: Họ còn thấu hiểu được chúng và tạo ra những cách tiếp cận dễ dàng hơn để không chỉ họ mà bất kỳ ai làm việc xung quanh chúng cũng có thể dễ dàng đương đầu với chúng, như cách mà họ thực hiện.

Tại sao ta cần nhấn mạnh đặc điểm này? Thực tế, khả năng đơn giản hóa sự phức tạp có vẻ như là một nghịch lý (khi công ty càng lớn, càng có nhiều sự phức tạp hơn), và đó là điều khiến những người này khác biệt. Một lãnh đạo tài năng phải là người có thể giải quyết những nghịch lý một cách dễ dàng và hiểu được là việc lãnh đạo cần một bộ kỹ năng khác nhau để đáp ứng được những vấn đề khác nhau. 

2. Họ thúc đẩy tham vọng cho toàn doanh nghiệp

Một trong những thứ có thể giết chết động lực mạnh mẽ nhất trong các tổ chức là xu hướng “Hành xử theo Silo” (Silo behaviors). Tư duy theo Silo là một lối tư duy xuất hiện ở nhiều công ty hoặc ở một số bộ phận nhất định. Những người có lối tư duy Silo sẽ không muốn chia sẻ thông tin của phòng ban mình cho những bộ phận khác, dù tất cả đều chung một công ty. Có rất nhiều cá nhân khi làm việc trong các tổ chức luôn có suy nghĩ rằng mình chỉ là một cá thể nằm trong một tập thể nhỏ, cố gắng làm những việc được giao tốt nhất và cạnh tranh với những nhóm khác để được ghi nhận, thay vì nghĩ đến một lợi ích chung của tập thể lớn hơn, mà cụ thể ở đây là lợi ích của toàn công ty. Những hành vi như thế này thường tập trung nhiều hơn trong nội bộ công ty hơn là việc thể hiện ngoài thị trường, và chính điều này có thể tạo ra điểm mù vô hình trong doanh nghiệp.

Hành xử theo Silo có thể khiến các phòng ban hoạt động độc lập với nhau

Để một ai đó bước ra ngoài Silo của họ và nghĩ xa hơn cho doanh nghiệp có nghĩa là vượt qua hai trình điều khiển cơ bản của con người: Lòng trung thành của họ đối với bộ phận đang làm và cảm giác thiếu an toàn của họ khi phải làm việc với những người, những bộ phận mà họ không nắm rõ. Để đạt được tư duy cấp doanh nghiệp đòi hỏi một người phải có đủ sự tự nhận thức để hiểu về những xung đột này và cần phải đủ sự nghiêm túc với bản thân để có thể vượt qua chúng. Việc một cá nhân có thể hiểu được công ty là cái chung duy nhất mà họ sẵn sàng cống hiến (hơn là chỉ một bộ phận nào đó theo lối nghĩ Silo) chính là điều mà một nhà lãnh đạo tài năng cần phải làm được.

3. Họ thể hiện tốt trong các nhóm ngay cả khi họ không phải là người lãnh đạo

Từ các cấp lãnh đạo điều hành trở xuống, các nhóm được xem là hình thái tổ chức cơ bản của một công ty. Tuy nhiên, hầu hết các nhóm trong doanh nghiệp thường không có định nghĩa rõ ràng cho việc họ làm việc với nhau như một nhóm thực thụ, mặc dù đã có rất nhiều công trình nghiên cứu học thuật chỉ ra sức mạnh lớn lao khi họ làm cùng nhau.

Các nhà lãnh đạo giỏi nhất, rất lâu trước khi họ tiếp cận với mô hình C-suite, đã bắt đầu các cuộc trò chuyện với các nhóm của họ với một số câu hỏi: “Chúng ta cần làm gì để đẩy nhanh độ hiệu quả của chiến lược? Ba ưu tiên mà chúng ta phải giải quyết như là một đội là gì?” Các câu trả lời cho những câu hỏi này sau đó sẽ là những mục tiêu trong mỗi buổi họp, giúp việc ra quyết định dễ dàng hơn và là giấy thông hành giúp những nhà lãnh đạo sẽ nói chuyện với các cấp cao hơn.

4. Họ tạo nên các nhà lãnh đạo tiếp theo

Các giám đốc điều hành thường sẽ thuộc một trong hai nhóm sau: Một nhóm xem những người làm việc cho họ như tài sản để giúp họ thăng tiến trong sự nghiệp; Nhóm khác thì nhìn thấy tiềm năng của nhân viên và có trách nhiệm phát triển họ. Không phải lúc nào các nhà lãnh đạo cấp cao, giám đốc hội đồng quản trị hoặc giám đốc nhân sự cũng dễ dàng nhận ra chính xác về nhóm nào mà một nhà quản lý tiềm năng thuộc về. Một số người thường dành thời gian để tạo ra một vỏ bọc tốt đẹp, khiến người khác nghĩ rằng họ là một nhà lãnh đạo tận tâm, nhưng sau lưng sẽ dễ dàng lơ đi những người đã từng làm việc cho họ.

Một nhà lãnh đạo có thể dẫn dắt các nhà lãnh đạo khác thường là một người có thể giữ lại và phát triển những người có quan điểm trái với họ. Những người mà một nhà lãnh đạo chọn để phát triển là một chỉ số để đánh giá năng lực của lãnh đạo trong việc tạo ra sự đa dạng trong công việc. Sự đa dạng giúp ích cho việc ra thực thi chiến lược và tạo ra nhiều góc nhìn khác nhau để tư duy và làm việc trong doanh nghiệp, từ đó loại bỏ những tư duy bè phái khiến doanh nghiệp rơi vào cái bẫy Silo như đã đề cập phía trên.

Các nhà lãnh đạo C-suite tốt nhất tích cực tuyển dụng và thu hút các quan điểm khác nhau trong nhóm của họ. Dù chính thức hoặc không chính thức, họ cũng là người cố vấn cho những người mới và những người có vẻ ngoài khác biệt và suy nghĩ khác biệt so với họ. Để giành chiến thắng trên nhiều mặt trận trong một thế giới phức tạp ngoài kia, các nhà lãnh đạo phải xây dựng được các nhà lãnh đạo tiếp theo.

4 phẩm chất của một nhà lãnh đạo tài ba

Tạm Kết

Sau tất cả, những nhà lãnh đạo có phẩm chất đặc biệt sẽ giành chiến thắng bằng cách thiết lập các ưu tiên đúng đắn, xây dựng các nhóm hiệu quả và giúp tổ chức bước ra ngoài Silo của mình để hoạt động như một tổ chức thống nhất. Và họ tạo ra các nhóm lãnh đạo với đội ngũ đa dạng – không phải phân cấp dựa vào trí tuệ hay mối quan hệ bè phái, mà bởi vì họ sẽ là chìa khóa để trở nên vượt trội hơn trong thị trường hôm nay và tương lai. Xác định và phát triển các nhà lãnh đạo như vậy tạo nên một đội ngũ lãnh đạo đầy năng lượng và đảm bảo hiệu suất chiến lược lâu dài của công ty.

——————–

Bạn nghĩ như thế nào về bài viết này? Hãy comment cho chúng tôi biết ý kiến của bạn nhé!

Theo Strategy+Business

PRIMUS – FIRST CLASS JOBS ONLY

1 Bình luận
  1. Phản hồi Noysiston
    14/05/2021, 3:18 sáng

    very nice blog

    af62fod23441k83b

Bình Luận