• English

Củng Cố Khả Năng Lãnh Đạo Hiệu Quả: Sức Mạnh Của Việc Tự Quản Lý Bản Thân

Khả năng lãnh đạo vượt trên cả việc lãnh đạo và quản lý con người, nó phải bắt đầu từ việc quản lý chính bản thân mình. Kỹ năng tự quản lý (self-management) còn được mô tả là trí tuệ xúc cảm (emotional intelligence), xây dựng dựa trên tính tự nhận thức, là khả năng hiểu và kiểm soát cảm xúc, cũng như cách mà mọi người đối phó với những cảm xúc đó. Đây là yêu cầu cơ bản để trao quyền cho con người và đóng góp vào thành công của tổ chức trong một thời đại với nhiều thay đổi nhanh chóng.

 

Hãy biết quản lý bản thân trước khi quản lý ai khác

Kỹ năng tự quản lý là gì và tại sao nó lại quan trọng với các nhà lãnh đạo?

Tự quản lý là kỹ năng quan trọng nhất mà tất cả mọi người, đặc biệt là các nhà lãnh đạo cần phải xây dựng và phát triển, nhưng lại thường bị xem nhẹ và bỏ qua. Nó là sự kết hợp của những hành vi xoay quanh cách con người quản lý bản thân trong công việc và cuộc sống của họ. Như vậy, một nhà lãnh đạo biết tự quản lý bản thân phải là người biết thể hiện tính tự chủ, tự nhận thức, cùng khả năng quản lý thời gian, ưu tiên và đưa ra quyết định chính xác. Nhìn chung, nó cho phép họ xây dựng một phong cách lãnh đạo hiệu quả hơn, thích nghi tốt trước các thay đổi và chủ động trong công việc, từ đó cải thiện niềm tin và độ tin cậy.

Hậu quả của việc thiếu khả năng tự quản lý bản thân?

Khi mọi thứ trở nên quá phức tạp, những nhà quản lý với khả năng tự quản lý bản thân kém rất dễ bị cảm xúc chi phối. Trước những cảm xúc tiêu cực, thay vì bình tĩnh đối phó với chúng nhằm đưa ra cách giải quyết hợp lý thì họ sẽ phản ứng thái quá rồi đưa ra những quyết định vội vàng dưới tác động nặng nề của chính những cảm xúc đó. Một điều nữa cần lưu ý đó là cảm xúc rất dễ lây lan! Nếu một nhà lãnh đạo bước vào phòng trong tâm trạng cáu kỉnh hay hung hăng thì tất cả những người khác đều sẽ bị ảnh hưởng. Từ đó, nó sẽ làm cho sự tương tác và gắn kết của các nhân viên trở nên kém đi, tỷ lệ thôi việc cao hơn, hiệu suất và năng suất nói chung cũng đều suy giảm.

Làm thế nào để phát triển các kỹ năng tự quản lý bản thân?

Tự quản lý bản thân là khả năng ngăn chặn những cảm xúc có thể chi phối chúng ta và gây nguy hại cho tình hình hiện tại. Vì thế, các nhà lãnh đạo cần phải phát triển và làm chủ những yếu tố sau đây để quản lý các quyết định, ưu tiên, cảm xúc, và con người thật hiệu quả.

   1. Sự tự chủ

Bước đầu tiên và cũng là quan trọng nhất để tự quản lý bản thân tốt hơn đó là biết tự chủ. Thường hay bị nhầm lẫn là che giấu cảm xúc thật, nhưng người biết tự chủ có thể nhận thức và kiểm soát được những cảm xúc đó một cách phù hợp – “không chỉ hiểu rõ bản thân mà còn phải hiểu rõ làm thế nào để kiểm soát bản thân.”

Các nhà quản lý cần phải nhận thức được chủ ý và giá trị của mình, cũng như các yếu tố có thể “châm ngòi nổ” và làm bộc phát những phản ứng cảm xúc mạnh mẽ. Điều này có thể được giải quyết qua việc phát triển các chiến lược về hành vi, xuất phát từ khả năng tự nhận thức và tự quan sát bản thân. Hãy bỏ ra chút thời gian nhìn nhận các tình huống trong quá khứ và hiện tại, tập trung vào những thời điểm mà việc đưa ra quyết định hay thực hiện một hành động nào đó bị cảm xúc chi phối, với những dấu hiệu như không thể kiểm soát bản thân hay đưa ra quyết định quá vội vàng. Bằng cách này, các nhà lãnh đạo sẽ xác định được điểm mạnh và điểm yếu của mình, cũng như những yếu tố sinh ra phản ứng thay vì đối phó dựa trên lý trí, qua đó giúp quản lý cảm xúc của bản thân hiệu quả hơn dưới áp lực nặng nề trong tương lai.

   2. Tính chân thực 

Cùng với khả năng tự kiểm soát bản thân, các nhà quản lý cũng cần phải thể hiện tính chân thực qua việc sẵn sàng tỏ ra minh bạch và thành thật khi chia sẻ về cảm xúc, giá trị, và hành động của mình với ai đó. Về cơ bản, nhà lãnh đạo đích thực phải là người chính trực, luôn luôn nhất quán với lời nói và hành động của chính mình. Điều này đòi hỏi họ phải biết thừa nhận sai sót hay hạn chế, duy trì đạo đức làm việc cao, đồng thời giữ vững giá trị bản thân và tổ chức. Ngoài ra, các vị lãnh đạo cũng cần hiểu rõ ưu nhược điểm thông qua việc tự quan sát bản thân hoặc nhận feedback từ những nhân viên cũng như cấp trên của mình.

Việc người lãnh đạo thể hiện tính chân thực sẽ thúc đẩy các nhân viên làm theo họ, đón nhận những sự khác biệt và điểm yếu nhằm củng cố môi trường làm việc gắn kết, hiệu quả.

   3. Tính tổ chức

Nhà lãnh đạo có tính tổ chức kỷ luật cao là người biết quản lý thời gian và ưu tiên công việc dựa theo độ phức tạp và tầm quan trọng để hoàn thành đúng hạn. Nó sẽ cho người khác thấy một hình ảnh tích cực về họ, ở đó những vị lãnh đạo luôn biết mình muốn gì – nắm chắc những công cụ hay thông tin thiết yếu trong tay trước khi hoàn thành nhiệm vụ và chỉ quan tâm đến những điều quan trọng, hữu ích nhất.

Người lãnh đạo cần nhiều thời gian và công sức để quen với lối sống có tổ chức, tuy nhiên, việc sở hữu ý thức tổ chức cho thấy họ thực sự nghiêm túc với công việc của mình, giúp họ trở nên chuyên nghiệp và làm việc hiệu quả hơn, làm gương cho các thành viên trong team và gây ấn tượng với những cá nhân khác.

   4. Sự thích nghi

Một thành phần khác trong kỹ năng tự quản lý bản thân đó là khả năng thích ứng, luôn luôn tin rằng “không có gì là không vượt qua được.” Tình hình có sự thay đổi đột ngột thường dẫn đến những phản ứng tiêu cực như chống cự, lo lắng và bất an. Tuy nhiên, người lãnh đạo xuất sắc phải là người luôn luôn sẵn sàng đối mặt với những thay đổi và đón nhận những góc nhìn khác với những gì mà họ đã đặt ra.

Tính thích ứng sẽ giúp nhà lãnh đạo luôn phòng bị trước những sự không chắc chắn hoặc mơ hồ. Thêm vào đó, các thay đổi cũng đòi hỏi nhà quản lý phải suy nghĩ khác biệt, buộc họ phải có tư duy sáng tạo thay vì chỉ phụ thuộc vào những phương pháp truyền thống. Với khả năng bình tĩnh tiếp cận những tình huống khó khăn và đưa ra những quyết định hợp lý, họ sẽ loại bỏ được những cảm xúc tiêu cực mà vươn lên bất chấp khó khăn.

   5. Chủ động

Chủ động hành động với mục đích tối đa hoá cho tương lai của tổ chức là chìa khóa then chốt của kỹ năng tự quản lý bản thân. Tính chủ động đòi hỏi sự tự tin cũng như động lực để làm một điều gì đó hết mình mà không cần tác động từ ai khác. Vì vậy, người khởi xướng mạnh mẽ có động lực để đạt được mục tiêu, chấp nhận và nới lỏng quy tắc hay cấu trúc một cách hiệu quả vì lợi ích của công ty và khách hàng, đồng thời tìm kiếm sự cân bằng giữa đổi mới và bền vững. Từ đó, họ có thể tạo ra nhiều cơ hội và kiểm soát định mệnh của công ty.

Kết luận

Trong quá trình làm việc, rất nhiều yếu tố bên trong cũng như ngoại cảnh có thể khiến cho mọi thứ vượt ra tầm kiểm soát của một cá nhân. Trong trường hợp đó, ngay cả những nhà quản lý hay nhân viên cấp cao cũng khó có thể làm chủ được những cảm xúc tiêu cực của mình và đưa ra quyết định đột ngột do bị thất vọng hoặc sợ hãi. Để luôn luôn duy trì ý chí và năng suất ở nơi làm việc cũng như trong cuộc sống nói chung, các vị lãnh đạo cần nhanh chóng xây dựng và nâng cao những kỹ năng tự quản lý bản thân. Chúng không chỉ giúp bản thân họ phát triển mà còn trao quyền cho họ nhằm đạt được tiềm năng cao nhất và gây ấn tượng với mọi người trong những hoàn cảnh khó khăn, thách thức.

——————–

Bạn nghĩ như thế nào về bài viết này? Hãy cho chúng tôi biết ý kiến của bạn nhé!

Theo Huffington Post + The Complete Leader + Youth Employment UK

PRIMUS – TOP MANAGEMENT JOBS ONLY

Bình Luận