• English

Các Nhà Quản Lý Nên Làm Gì Để Giúp Nhân Viên Quay Lại Với Công Việc Nhanh Chóng Sau Khi Nới Lỏng Giãn Cách Xã Hội?

Trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam đã được kiểm soát khi liên tục trong 16 ngày không có ca nhiễm mới (tính từ 6h ngày 16/4 đến 6h ngày 2/5), TP.HCM đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho ngừng cách ly xã hội từ 0 giờ ngày 23/4/2020. Theo đó, người dân của nhiều tỉnh thành trên cả nước đã dần trở lại nhịp sống sinh hoạt thường ngày; đồng thời, nhiều doanh nghiệp cũng đã bắt đầu quay trở lại với công việc.

Người hào hứng, người chưa sẵn sàng quay lại công việc

Cảm thấy hồ hởi và vui vẻ là tâm trạng chung của hầu hết những người có cơ hội đi làm lại để gặp gỡ sếp, đồng nghiệp và nhân viên sau hơn một tháng thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, dư âm của “kỳ nghỉ Tết Covi” dài ngày có thể khiến nhiều người chưa muốn quay trở lại, thậm chí cảm thấy trì trệ và chán nản khi nghĩ đến khối lượng công việc thường ngày. Hơn thế nữa quay lại công việc một cách đột ngột sau gần một tháng không làm việc cùng nhau tại văn phòng có thể khiến nhân viên cảm thấy khó bắt nhịp với đồng nghiệp và hoạt động chung của tập thể. Điều này dẫn đến việc các thành viên trong team không đủ động lực để làm việc năng suất như trước đây.

Nhà quản lý nên làm gì để thúc đẩy tinh thần của nhân viên khi quay lại công việc?

Vì team đã trải qua một khoảng thời gian dài chỉ tương tác với nhau qua các ứng dụng gọi video nhóm như Zoom, Skype, Microsoft Team… nên điều mà các nhà quản lý có thể làm ngay lúc này chính là tạo sự gắn kết và tăng cường sự tương tác trong môi trường làm việc bằng cách gia tăng cơ hội gặp gỡ trực tiếp của các thành viên trong team nhiều nhất có thể. Hãy tham khảo các hoạt động dưới đây và khuyến khích mọi người cùng nhau tham gia.

   1. Tổ chức buổi cập nhật tình hình trong team vào những ngày đầu quay lại công việc

Một tổ chức muốn phát triển bền vững cần có sự gắn kết giữa nhân viên với nhau và giữa nhân viên với cấp lãnh đạo. Chính vì thế, nhà quản lý cần chủ động kết nối các thành viên trong team bằng một buổi cập nhật tình hình vào ngày đầu tiên quay trở lại công việc. Hãy để cho mọi người thoải mái chia sẻ quan điểm của mình, vì rất có thể thông qua buổi này, cả team sẽ thu nhận được những ý tưởng mới và tiềm năng để phát triển đội nhóm hay sản phẩm.

Đây cũng là cơ hội để các nhà quản lý chia sẻ tình hình hiện tại của công ty, những khó khăn mà cả nhóm đang phải đối mặt. Qua đó, mọi người có thể cùng nhau đóng góp ý kiến để cải thiện cách phối hợp với nhau để đạt hiệu quả cao hơn trong công việc cũng như thúc đẩy hoạt động kinh doanh của cả team và doanh nghiệp trong thời gian tới.

   2. Chia sẻ bài học kinh nghiệm thực tiễn từ bản thân hoặc những nhà lãnh đạo nổi tiếng

Lời khuyên từ những nhà lãnh đạo thành công luôn mang lại những bài học đắt giá. Hãy tham khảo những lời khuyên này và tận dụng kinh nghiệm thực tiễn của bản thân để giúp nhân viên quay trở lại công việc một cách nhanh chóng hơn.

      a. Hướng dẫn nhân viên sắp xếp lại công việc và làm chủ mục tiêu

Sắp xếp lại công việc sẽ giúp nhân viên mau chóng nắm bắt tiến độ của các công việc đang thực hiện dở dang. Đừng vội yêu cầu họ bắt tay giải quyết ngay bất kỳ việc gì vì họ sẽ nhanh chóng cảm thấy ngán ngẩm và quá tải. Thay vào đó, hãy khuyên họ chỉ cần liệt kê ra những việc cần thực hiện trong ngày hôm đó theo mức độ ưu tiên và thực hiện lần lượt.

Khi làm chủ được mục tiêu, chúng ta có thể làm việc ở bất kỳ môi trường năng động nào. Debbe Kennedy, chủ tịch, CEO và sáng lập viên của Trung tâm Global Dialogue đã từng chia sẻ lời khuyên này như một phần thiết yếu trong việc định hình nên phương hướng hoạt động, tương lai và sự nghiệp của bà. Bên cạnh đó, hiểu rõ mục tiêu và KPI của cá nhân và tổ chức giúp chúng ta nắm bắt rõ mình cần làm những gì và lên kế hoạch ra sao để thực hiện nhiệm vụ tốt nhất. Vì thế, hãy luôn nhắc nhở nhân viên về mục tiêu của công ty và giải thích thêm về KPI nếu cần để đội ngũ nhân viên có thể chủ động lập kế hoạch và triển khai thực hiện nhằm nâng cao khả năng đạt được mục tiêu.

      b. Khuyến khích nhân viên đi làm sớm hơn để có sự chuẩn bị tốt

Bên cạnh việc hạn chế kẹt xe hay các sự cố khác thì đến văn phòng sớm sẽ giúp nhân viên có được khoảng thời gian thoải mái tại văn phòng để có thể suy nghĩ và chuẩn bị kế hoạch chu đáo cho một ngày làm việc hiệu quả. Họ có thể thưởng thức một ly cà phê, dọn dẹp lại bàn làm việc hoặc trò chuyện cùng đồng nghiệp, tạo tinh thần sảng khoái để bắt đầu công việc mỗi ngày.

Một ngày của Tim Cook – CEO của Apple thường bắt đầu vào lúc 3h45 sáng. Sau đó, ông bắt đầu công việc của mình bằng cách đọc các email, góp ý của người dùng về các dòng sản phẩm của Apple. Nhờ đó, ông có nhiều thời gian trong ngày để có sự chuẩn bị tốt hơn cho những nhiệm vụ tiếp theo. Đội ngũ nhân viên nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đặc biệt là về tinh thần có thể khiến nhân viên gặp khó khăn khi việc quay về với công việc thường ngày tại văn phòng. Hãy khuyến khích họ đi làm sớm hơn giờ làm khoảng 5 – 10 phút để có nhiều thời gian lập kế hoạch cho các công việc của ngày hôm đó.

      c. Khéo léo nhắc nhở nhân viên tập trung vào công việc và dành thời gian nhất định cho những câu chuyện ngoài lề

Sau khoảng thời gian dài chưa được trò chuyện cùng nhau, chắc hẳn mọi người trong team sẽ có rất nhiều câu chuyện để kể cho nhau nghe. Đó có thể là những thuận lợi và khó khăn khi làm việc tại nhà, cũng có thể là những yếu tố khiến mọi người bị chi phối khi làm việc như hoạt động giải trí, gia đình, bạn bè…

Hãy khéo léo nhắc nhở nhân viên tạm gác lại mọi chuyện và chờ đến giờ nghỉ trưa để thoải mái hơn khi chia sẻ, và quan trọng nhất là họ sẽ tận dụng được tất cả thời gian làm việc trong ngày một cách thật hiệu quả.

   3. Thường xuyên tổ chức các hoạt động chung cùng nhau

Cùng với sự phát triển của văn hoá doanh nghiệp thì những hoạt động chung trong tổ chức có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc gắn kết các thành viên, thắt chặt mối quan hệ giữa các tổ chức, giải tỏa sức ép cũng như rèn luyện sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần cho nhân viên sau khoảng thời gian trì trệ làm việc tại nhà. 

Các nhà quản lý nên khuyến khích nhân viên tham gia các hoạt động gắn kết team như ăn trưa cùng nhau, các hoạt động team building ngay tại văn phòng để phát triển kiến thức, kỹ năng hay sở thích để giải tỏa tâm trạng và lấy lại hứng thú trong công việc. Khi tham gia hoạt động ngoại khóa như vậy, tinh thần nhân viên sẽ trở nên thoải mái hơn và mọi người cũng sẽ trở nên gần gũi với nhau hơn.

———–

Số lượng ca được chữa khỏi tại Việt Nam ngày một tăng lên và trong cộng đồng không ghi nhận thêm ca nhiễm nào mới cho thấy tín hiệu tích cực trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, chúng ta không nên vì thế mà chủ quan, buông lỏng ý thức phòng dịch. Thêm vào đó, khi quay trở lại công việc, các tập thể không nên chủ quan, lơ là mà cần tiếp tục các biện pháp để bảo vệ cho bản thân mình cũng như cho những người khác.

Trên đây là tất cả những gợi ý giúp cho nhà quản lý có thể tiếp thêm năng lượng và tạo động lực cho nhân viên của mình sau thời gian dài không thể trao đổi trực tiếp với nhau. Hãy chia sẻ cho PRIMUS những giải pháp tuyệt vời mà bạn đã thực hiện bằng cách để lại bình luận bên dưới nhé.

PRIMUS – TOP MANAGEMENT JOBS ONLY

Bình Luận