Tại Sao Chúng Ta Cần Văn Hóa Huấn Luyện?
5 nămtrước 0 Bình luận 1.7k Views
“Văn hóa huấn luyện – Coaching culture” trong tổ chức hiện đang trở thành xu hướng và được các doanh nghiệp quan tâm. Việc huấn luyện được chứng minh mang lại hiệu quả tốt cho công việc quản lý con người, từ đó nâng cao năng suất làm việc và cải thiện kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Huấn luyện, không đơn thuần là chỉ dẫn
Nhiều người trong chúng ta còn nhầm lẫn khái niệm giữa Huấn luyện và chỉ dẫn, tuy nhiên, Huấn luyện đòi hỏi nhiều khả năng và công sức hơn từ cả hai phía để có thể đi đến kết quả tốt nhất. Huấn luyện – Coaching là một quá trình hợp tác, đồng hành giữa Huấn luyện viên (Coach) và Người được huấn luyện (Coachee) nhằm khai mở tư duy, sáng tạo, truyền cảm hứng, từ đó tối ưu khả năng cá nhân và kỹ năng chuyên môn trong công việc cũng như cuộc sống. Theo đó, Huấn luyện tập trung hơn vào kỹ năng tìm kiếm vấn đề và lắng nghe, phản hồi tích cực, thay vì đơn thuần đưa ra những chỉ dẫn hay phán xét. Đặc điểm nổi bật của quá trình này chính là khả năng đặt câu hỏi khai vấn của Huấn luyện viên để tìm ra được đúng vấn đề cốt lõi từ đó hỗ trợ Người được huấn luyện đưa ra được phương hướng giải quyết. Sự thoải mái trao đổi giúp hai bên đưa ra được những ý kiến hoặc sáng kiến mới, tạo ra một không gian nơi mà họ có thể tự thử thách bản thân và đưa ra được những giải pháp đột phá hơn.
Văn hóa Huấn luyện trong doanh nghiệp sẽ xuất hiện khi doanh nghiệp đó chọn Huấn luyện là cách tiếp cận để xây dựng những chương trình phát triển con người, gắn kết nhân viên. Theo DDI năm 2018, lãnh đạo của những tổ chức áp dụng huấn luyện trong doanh nghiệp cảm thấy có giá trị hơn và gắn kết mạnh mẽ hơn với tổ chức.
Các chương trình huấn luyện giúp tăng cường sự gắn kết của lãnh đạo
Phát triển lãnh đạo tốt hơn thông qua Huấn luyện
Theo Global Leadership Forecast 2018, những doanh nghiệp đề cao giá trị của chương trình Huấn luyện đạt được những kết quả tốt hơn khi phát triển lãnh đạo:
- Trong thời đại số khi mọi thay đổi diễn ra nhanh chóng, để phản ứng trước những thay đổi này, đòi hỏi các nhà quản lý phải sở hữu kỹ năng lãnh đạo tốt để dẫn dắt đội nhóm. Chương trình Huấn luyện nội bộ, đặc biệt là giữa các lãnh đạo các phòng ban khác nhau, hoặc giữa lãnh đạo và nhân viên, sẽ tăng cường khả năng giải quyết vấn đề, đưa ra quyết định nhanh chóng và phù hợp hơn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có nhiều lựa chọn hơn để thăng chức nhân viên nội bộ, thay vì tuyển mới.
- Với chương trình Huấn luyện từ những chuyên gia bên ngoài, lãnh đạo cấp cao sẽ có những góc nhìn mới mẻ hơn, từ đó dẫn đến những cải tiến đáng kể trong hoạt động của doanh nghiệp. Ngoài ra, những doanh nghiệp áp dụng chương trình này cũng có tỷ lệ nghỉ việc của lãnh đạo ít hơn.
Huấn luyện giúp lãnh đạo có góc nhìn mới
Xây dựng văn hóa huấn luyện trong doanh nghiệp
Không phải chỉ cần đưa ra những chương trình huấn luyện là doanh nghiệp có thể xây dựng được một văn hóa huấn luyện. Doanh nghiệp cần trước nhất, xác định tầm quan trọng của Huấn luyện trong chiến lược phát triển nhân sự. Sau đó xác định mục tiêu của những khóa huấn luyện này để tạo ra hệ thống chương trình phù hợp:
1. Tích hợp huấn luyện vào quá trình phát triển nhân viên: không dừng ở việc cung cấp những khóa huấn luyện, doanh nghiệp cần đẩy mạnh hơn nữa sự huấn luyện trong lâu dài trong suốt quá trình trải nghiệm nhân viên tại doanh nghiệp
2. Phát triển nhà quản lý từ mọi cấp độ để trở thành những Huấn luyện viên: Đặt chỉ tiêu “làm huấn luyện viên” vào hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu suất làm việc của các nhà quản lý, lãnh đạo. Từ đó, khen thưởng nếu họ có kết quả tốt và sử dụng tiếng nói của họ để tiếp tục chia sẻ thêm về tầm nhìn và giá trị của Huấn luyện.
3. Chú trọng cá nhân hóa những chương trình huấn luyện : doanh nghiệp xác định theo mục đích, định hướng, vị trí sắp tới mà đề ra những chương trình huấn luyện hợp lý cho từng cá nhân.
4. Luôn thực hiện đo lường hiệu quả của những chương trình huấn luyện: Sử dụng dữ liệu và kết quả làm việc trong đo lường hiệu quả để kịp thời thực hiện những điều chỉnh nếu có.
Đo lường hiệu quả của các chương trình huấn luyện
5. Huấn luận viên nội bộ hay bên ngoài: cần phải có sự kết hợp giữa các loại hình huấn luyện như từ nội bộ và từ bên ngoài. Đối với nhân viên, giám sát, lãnh đạo cấp trung, họ thích hợp với huấn luyện nội bộ vì Huấn luyện viên có thể giúp họ có một góc nhìn sâu hơn về văn hóa và đặc thù công ty, thông qua trải nghiệm của chính họ. Đối với lãnh đạo cấp cao, cố vấn từ bên ngoài là cực kỳ cần thiết vì trong doanh nghiệp, họ đã nắm vị trí chủ chốt và có cái nhìn bao quát hết về doanh nghiệp. Do đó, họ cần góc nhìn mới mẻ hơn từ bên ngoài, đặc biệt là những chuyên gia, để có thể tiếp tục khai phá tiềm lực của cá nhân họ và của doanh nghiệp.
——————–
Bạn nghĩ như thế nào về bài viết này? Hãy comment cho chúng tôi biết ý kiến của bạn nhé!
PRIMUS – FIRST CLASS JOBS ONLY