Ngành Quản trị Nhân Lực Trong Thời Đại Trí Tuệ Nhân Tạo
5 nămtrước 0 Bình luận 2.7k Views
Vài năm trở lại đây, trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) là một khái niệm công nghệ thông dụng được nhắc tới ở khắp mọi nơi, từ thung lũng Silicon cho đến Trung Quốc, và Việt Nam đương nhiên cũng không phải ngoại lệ. Trong thời đại mà những đổi mới về mặt công nghệ diễn ra liên tục không ngừng, AI được kỳ vọng sẽ xoay chuyển thế giới kinh doanh một cách [quyết liệt]. Đối với ngành quản trị nhân lực, việc áp dụng AI vào các hoạt động cốt lõi sẽ giúp cải thiện các chức năng nhân sự, cho phép các công ty đơn giản hoá các quá trình tuyển dụng nhân tài và gắn kết nhân viên.
AI là gì?
AI là sự mô phỏng trí tuệ của con người bằng các máy học được lập trình để suy nghĩ như người, bắt chước các chức năng liên quan đến trí não con người như học tập, lý luận hay giải quyết vấn đề, và thực hiện các nhiệm vụ ở bất kể độ khó nào. Với tốc độ tính toán cao cùng các thuật toán tiên tiến, AI có khả năng phân tích khối lượng dữ liệu lớn và cung cấp tốc độ cũng như độ chính xác tốt hơn cho các quy trình hàng ngày.
Sử dụng AI trong lĩnh vực nhân sự
AI có thể hỗ trợ ngành HRM như thế nào? HR, lĩnh vực cần phải phụ thuộc vào khối lượng dữ liệu lớn để thu được những hiểu biết hữu ích về những ứng viên tiềm năng cũng như các nhân viên trong công ty, với sự trợ giúp của các công nghệ AI sẽ cải thiện hiệu quả làm việc và tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức bằng cách (1) đơn giản hoá quy trình tuyển dụng, (2) tự động hoá các nhiệm vụ lặp đi lặp lại, (3) tăng cường sự gắn kết của các nhân viên, và (4) thay đổi quá trình học tập và phát triển.
1. Đơn giản hoá quy trình tuyển dụng
Quá trình tuyển dụng thường là một công việc hết sức tẻ nhạt và tốn nhiều công sức đối với các nhà tuyển dụng bởi họ phải đánh giá nhiều dữ liệu và hồ sơ từ nhiều nguồn khác nhau nhằm tìm ra những ứng viên lý tưởng phù hợp với công ty nhất. Mặt khác, các hệ thống được hỗ trợ bởi AI có thể quét résumé nhanh hơn con người đáng kể, phân tích các cuộc phỏng vấn được thực hiện bởi một nhà tuyển dụng, và xem xét những hiểu biết sâu hơn về một ứng viên – những điều có thể làm ảnh hưởng đến cơ hội được chấp nhận của họ. Điều này giúp các nhà tuyển dụng tiết kiệm được số lượng lớn thời gian trong việc xây dựng danh sách các ứng viên tiềm năng. Một số nền tảng thậm chí còn có thể giải quyết vấn đề về thiên kiến vô thức của con người khi sàng lọc các ứng viên, cho phép quy trình tuyển dụng trở nên khách quan hơn.
2. Tự động hoá các công việc lặp đi lặp lại
Các công nghệ AI tạo cơ hội cho các bộ phận HR trong việc tự động hoá các nhiệm vụ lặp đi lặp lại và không quá quan trọng, cho phép họ tập trung vào các công việc hữu ích hơn đòi hỏi nhiều sự tiếp cận trực tiếp giữa các cá nhân. Thông thường, các trưởng phòng nhân sự phải bỏ ra khá nhiều thời gian và công sức vào các quy trình tiêu chuẩn lặp đi lặp lại như giúp các nhân viên mới làm quen với môi trường làm việc, quản lý bảng lương, hay phân tích dữ liệu đánh giá hiệu suất, v..v. Với những công cụ có sự hỗ trợ bởi AI, những vấn đề đó có thể được giải quyết dễ dàng, còn thời gian và nguồn lực đó sẽ được dành ra để cải thiện hiệu quả cũng như các vấn đề liên quan đến nơi làm việc nhằm đem lại thành công cho công ty.
3. Cải thiện sự gắn kết của nhân viên
Sử dụng trình xử lý ngôn ngữ tự nhiên (natural language processing – NLP), máy học (machine learning) và sinh trắc học, các nền tảng được hỗ trợ bởi AI còn đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc cải thiện sự gắn kết của nhân viên, tạo điều kiện cho các công ty duy trì và giữ chân các nhân viên xuất sắc nhất. Một số phần mềm có thể theo dõi hiệu suất thời gian thực, thực hiện các nền tảng nhận xét và khảo sát thông minh nhằm hiểu rõ hơn về các nhân viên và nâng cao trải nghiệm làm việc. Bên cạnh phân tích xem liệu các nhân viên đang cảm thấy hạnh phúc hay căng thẳng, những nền tảng đó còn đặt việc công nhận và trao thưởng cho nỗ lực của nhân viên làm mối ưu tiên hàng đầu và giúp họ cảm thấy được trân trọng trong một môi trường làm việc chuyên nghiệp. Thêm vào đó, các phần mềm khác cũng có thể tăng cường hợp tác làm việc nhóm bằng cách tạo ra một đội ngũ các nhân viên có thể làm việc hiệu quả với nhau và qua đó thúc đẩy sự gắn kết giữa các cá nhân.
4. Thay đổi quá trình học tập và phát triển
AI có thể đóng vai trò là một trợ thủ đắc lực của những giám đốc nhân sự trong việc đưa ra những phương pháp học tập phù hợp với nhân viên của mình nhất dựa trên sở thích, kỹ năng, và mục tiêu sự nghiệp của họ. Nói cách khác, giờ đây các đại diện của phòng nhân sự có thể cung cấp các chương trình đào tạo thích ứng, có cấu trúc sử dụng những hiểu biết mà các giải pháp AI thu được từ việc phân tích lượng lớn các dữ liệu nhân viên. Điều này không chỉ cho phép các trưởng phòng nhân sự hiểu rõ hơn về nhân viên của mình mà còn thúc đẩy họ học hỏi và phát triển các kỹ năng cá nhân; qua đó giúp cải thiện năng suất lao động và lợi nhuận kinh doanh.
Áp dụng AI từ sớm – nên hay không nên?
Ngành HR đã phát triển nhanh chóng trong thời gian gần đây nhờ áp dụng các công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, HR có vẻ như vẫn chưa sẵn sàng chuyển hướng sang AI. Bỏ qua một số rào cản trong việc áp dụng các công nghệ AI như thiếu kỹ năng kỹ thuật, những lo ngại về quyền riêng tư, khả năng tích hợp, hạn chế về tài chính, v..v, khó có thể nghi ngờ về những lợi ích mà chúng có thể mang lại cho công ty. Việc áp dụng các giải pháp AI trong lĩnh vực này sẽ giúp cải thiện hiệu quả tuyển dụng và thu hút được những ứng viên xuất sắc nhất, giảm thời gian và công sức bỏ ra cho các công việc lặp đi lặp lại, và tăng cường sự gắn kết nhân viên cũng như quá trình học tập và phát triển của họ. Tất cả những lợi ích này đều có thể mang đến một doanh nghiệp làm việc hiệu quả với nhiều ưu điểm vượt trội hơn những đối thủ của mình. Ở đó, các nhà quản lý và nhân viên có thể tối đa hóa hiệu suất công việc và thúc đẩy lợi nhuận tổng thể.
Theo Entrepreneur, Big Data Made Simple, EY
——————–
Bạn nghĩ như thế nào về bài viết này? Hãy comment cho chúng tôi biết ý kiến của bạn nhé!
PRIMUS – TOP MANAGEMENT JOBS ONLY