Làm Thế Nào Để Cuộc Chuyển Giao Quyền Lực Diễn Ra Thành Công?
5 nămtrước 0 Bình luận 1.6k Views
Trở thành giám đốc điều hành (Chief Executive Officer – CEO) là một chuyện, nhưng có giữ vững được vị trí đó không lại là chuyện khác. Ngày nay có rất nhiều CEO mới nhậm chức đã thất bại từ rất sớm, với gần một nửa phải rời vị trí chỉ trong hai năm đầu dù có đủ kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm để dẫn dắt công ty.
Vô vàn thất bại
Các nghiên cứu đã cho thấy trong vòng hai thập kỷ gần đây, có 30% số CEO thuộc Fortune 500 chỉ nắm quyền dưới 3 năm. Theo Harvard Business Review, gần một nửa số cuộc chuyển giao quyền lực bị cho là thất bại chỉ trong vòng 18 tháng đầu tiên giữ quyền điều hành.
Vai trò của CEO có ảnh hưởng sâu sắc lên toàn bộ tổ chức, hoặc tốt hơn hoặc tệ hơn. Nếu cuộc chuyển giao quyền lực thành công, nhiều khả năng công ty sẽ đạt được hiệu suất mục tiêu trong ba năm và sẽ đứng vững trong một vài năm. Mặt khác, việc vị lãnh đạo gặp khó khăn trong quá trình chuyển giao sẽ khiến cho năng suất và hiệu suất làm việc cũng như mức độ gắn kết giảm sút đáng kể. Dù nó kéo theo nhiều đe dọa như vậy nhưng rất nhiều CEO vẫn chưa sẵn sàng cho cuộc chuyển giao vào vị trí mới.
Điều gì đã khiến họ thất bại?
Có rất nhiều lý do khiến cho đa số những cuộc chuyển giao quyền lực gặp thất bại như vậy. Tuy nhiên, ba yếu tố đóng vai trò chủ chốt đều có liên quan tới (1) quá trình học tập, (2) giao tiếp với đồng nghiệp và nhân viên kém, và (3) quản lý vi mô (micromanagement).
1. Quá trình học tập
“Thành công hôm nay chưa chắc thành đạt ngày mai.” – Marshall Goldsmith
Các CEO đa số đều là những vị lãnh đạo giàu kinh nghiệm đã thể hiện được trí thông minh, khả năng dẫn đầu và mang lại nhiều kết quả khả quan trong những vị trí trước đây. Vì vậy, rất nhiều người khi nhậm chức thường tự cho rằng mình biết phải là gì, rằng họ có đủ năng lực và trình độ chuyên môn để xử lý bất cứ vấn đề nào đang chờ đợi trước mắt. Họ sẽ trông cậy vào bản năng và ấn tượng ban đầu, tin rằng những gì đã đưa họ đến thành công trước đây chắc chắn sẽ giúp họ thành đạt trong nay mai. Tuy nhiên, vị trí này có nhiều thách thức hơn tất cả những gì họ đã từng trải qua trước đây. Khi nhận ra mình còn phải học hỏi rất nhiều, một số người còn tỏ thái độ không muốn tiếp thu, điều chỉnh và tiến bộ – một thái độ cực kỳ xấu vốn không nên xuất hiện ở bất cứ ai, đặc biệt là các nhà lãnh đạo.
2. Giao tiếp với đồng nghiệp và nhân viên kém
Những mối quan hệ tốt bắt nguồn từ những cuộc trao đổi và trò chuyện mang tính nghiêm túc hoặc ngẫu nhiên với mọi người xung quanh. Tuy nhiên, dù nắm được những cái cơ bản trong giao tiếp nhưng việc thiếu đi chiến lược giao tiếp hiệu quả kèm theo nhiều nhược điểm trong cách tương tác với đồng nghiệp chính là những yếu tố dẫn tới tỷ lệ CEO từ chức ngày một gia tăng. Các vị lãnh đạo thường cho là mình đã trao đổi đủ nhiều, đủ rõ ràng mà không quan tâm đến liệu đối phương đã tiếp nhận được những điều đó hay chưa. Chẳng hạn như, nhiều người tỏ ra thiếu trung thực khi đưa ra feedback hay truyền đạt kế hoạch một cách mập mờ rồi phó mặc cho nhân viên tự hiểu và tìm cách giải quyết. Nói chung, điều này không chỉ dẫn tới một môi trường làm việc thiếu liên kết mà còn làm tổn hại đến tinh thần và năng suất làm việc của nhân viên, cản trở tiếp cận thông tin quan trọng cũng như khả năng hoàn thành nhiệm vụ của các CEO, đặc biệt là trong giai đoạn chuyển giao hay thậm chí là khủng hoảng.
3. Quản lý vi mô
Ông Sabina Nawaz, người huấn luyện cho các CEO, đã phỏng vấn 1000 nhân viên về thái độ của các CEO cho biết một trong những sai lầm mà mọi CEO mới thăng chức đều mắc phải chính là quản lý vi mô (micromanagement). Họ quá chú trọng vào những chi tiết nhỏ cùng những sai sót hay hạn chế của nhân viên và cũng không dễ buông bỏ bất cứ vấn đề gì. Vì thế, họ khiến cho nhiều người nghĩ rằng mình không có đủ khả năng hoặc không đủ tin cậy để tự ra quyết định, dẫn đến nhiều áp lực về mặt tâm lý như stress hay ghét bỏ và phẫn nộ. Theo thời gian, họ có thể sẽ ngừng cố gắng và phát triển, làm cho đội ngũ quan trọng xoay quanh CEO yếu đi và huỷ hoại toàn bộ tổ chức.
3 giai đoạn của quá trình chuyển giao quyền lực thành công
Việc chuyển giao từ vị trí trong ban giám đốc lên nắm quyền CEO kéo theo vô vàn thách thức, tuy nhiên, nếu như vị CEO mới có thể bỏ ra thời gian để học hỏi và đánh giá tổ chức của mình cũng như các nhân tài và các bên liên quan khác; tăng cường giao tiếp với đồng nghiệp và nhân viên; kết hợp hành động hợp lý thì họ chắc chắn sẽ thu được những thành công nhất định.
1. Học hỏi và Đánh giá
Chức vụ CEO mang tâm thế lớn lao hơn cả, và nó đòi hỏi một cách tiếp cận hoàn toàn khác biệt. Trước tiên, vị lãnh đạo cần phải hiểu rõ sự khác nhau trong bối cảnh, một bên là những gì họ đã làm được trong quá khứ và bên kia là những thứ họ đang hoặc sắp phải đối mặt. Hãy bắt đầu bằng cách đặt câu hỏi về năm khía cạnh của khả năng lãnh đạo, bao gồm chiến lược và hoạt động kinh doanh, văn hoá doanh nghiệp, lực lượng lao động, bản thân vị lãnh đạo và các bên liên quan khác. Câu trả lời cho những câu hỏi này sẽ đóng vai trò hướng dẫn, cho phép các CEO mới xác định được tình trạng công ty hiện tại, những gì nên được duy trì và củng cố, và những gì cần phải thay đổi ngay lập tức.
2. Giao tiếp
Các CEO mới cần sớm xây dựng và củng cố những mối quan hệ cả bên trong lẫn bên ngoài một cách chân thành và phải luôn nhớ rằng: ấn tượng ban đầu cực kỳ quan trọng. Sự dễ gần, dễ tiếp cận sẽ đảm bảo mọi giao tiếp trong suốt quá trình đều cởi mở, và bất kỳ trở ngại nào liên quan đến sự chênh lệch chức vụ đều bị loại bỏ, qua đó giúp củng cố niềm tin, độ tin cậy, lòng trung thành và thúc đẩy nhân viên làm việc chăm chỉ hơn. Hãy trò chuyện với mọi người để hiểu rõ về họ hơn, đồng thời tạo điều kiện cho họ hiểu hơn về người sẽ quản lý mình từ bây giờ.
Khi giao tiếp với người khác, các CEO phải luôn thể hiện sự minh bạch và có chủ ý – nói chuyện có mục đích và rõ ràng để tránh hiểu nhầm hay mơ hồ. Thay vì quản lý vi mô, việc thường xuyên trao đổi với các bên và cho phép họ tham gia vào mọi quá trình làm việc cũng sẽ giúp đảm bảo công ty đang đi đúng hướng. Thêm vào đó, sự xuất hiện của vị lãnh đạo còn có thể tạo ra cảm giác đoàn kết với các nhân viên và thúc đẩy một bầu không khí thoải mái giữa những lúc gấp rút, khó khăn.
3. Nhanh chóng hành động hợp lý
“Tập trung tạo ảnh hưởng chứ đừng chạy theo thời gian.”
Sau khi đã thu thập được những hiểu biết nhất định, hãy xét xem liệu chúng có phù hợp với hướng đi hay chiến lược mới hay không rồi nhanh chóng hành động phù hợp. Tuy nhiên, rất nhiều CEO mới thường đẩy nhanh quá trình này nhằm mục đích đạt được năng suất tối đa trong khoảng thời gian có hạn (khoảng 90 – 100 ngày). Điều này thực chất là vô căn cứ. Nghiên cứu đã cho thấy khoảng 92% đối tượng được tuyển dụng từ bên ngoài và 72% được thăng chức trong nội bộ công ty mất nhiều hơn 90 ngày, đôi khi sáu tháng hoặc hơn, để có thể mang lại tác động thực sự. Các bên liên quan đều hy vọng CEO mới có thể đưa ra tầm nhìn chiến lược trong 8 tháng đầu và cải thiện giá cổ phiếu trong vòng 19 tháng. Càng hạn chế thời gian bỏ ra để định hình lại đội ngũ nhân viên và tăng doanh thu càng tốt, tuy nhiên các nhà lãnh đạo cũng không nên bị áp lực bởi những cột mốc đó.
Kết luận
Một cuộc chuyển giao quyền lực thường kéo theo rất nhiều thách thức cho CEO mới cũng như toàn thể công ty. Do tính chất của vị trí mà bất cứ hành động nào của vị lãnh đạo mới cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể lên hoạt động kinh doanh, hoặc tốt hơn hoặc tệ hơn. Tuy nhiên, thông qua việc học hỏi và đánh giá bản thân và người khác, kết hợp với giao tiếp hiệu quả nhằm xây dựng các mối quan hệ thì một nhiệm kỳ thành công tất sẽ là điều hiển nhiên.
——————–
Bạn nghĩ như thế nào về bài viết này? Hãy comment cho chúng tôi biết ý kiến của bạn nhé!
Theo European CEO + Forbes + McKinsey
PRIMUS – FIRST CLASS JOBS ONLY