Thay đổi nơi làm việc: Cải thiện văn hoá làm việc độc hại
5 nămtrước 1 Bình luận 2k Views
Một lực lượng lao động hiệu quả bắt đầu từ một môi trường làm việc lành mạnh. Tuy nhiên, nếu như có những dấu hiệu cho thấy nhân viên luôn cảm thấy sợ hãi, chán nản, và căng thẳng thì có lẽ nơi làm việc đó đã biến thành một trải nghiệm tồi tệ. Mặc dù việc đóng góp vào một môi trường làm việc lành mạnh nơi con người được chào đón và thoải mái làm việc là trách nhiệm của tất cả mọi người, nhưng trước tiên các nhà lãnh đạo cần phải xây dựng và duy trì nó bằng cách xác định và giải quyết những vấn đề ‘độc hại’ từ giai đoạn mới chớm. Nếu không, nó có thể dẫn tới tình trạng lực lượng lao động yếu kém, năng suất suy giảm cùng tăng trưởng trì trệ.
Hiểu rõ về những văn hóa làm việc “độc hại”
Mặc dù các văn hóa làm việc độc hại bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau, sự độc hại có thể xuất phát từ các cá nhân ở mọi cấp độ trong công ty. Điều này cực kỳ nguy hiểm bởi nó có thể làm cản trở khả năng thành công cũng như giữ chân các nhân viên tài năng của công ty đó. Xin được nhấn mạnh rằng rất nhiều nhân viên, đặc biệt là những người tài giỏi nhất, không ngần ngại nhảy việc nếu phải đối mặt với một môi trường làm việc độc hại. Do đó, các nhà lãnh đạo cần phải nhanh chóng hành động để xoay chuyển môi trường hỗn loạn ấy trước khi năng suất chậm lại còn tỷ lệ thôi việc ngày một trầm trọng.
“Điều đáng lo ngại nhất đối với các tổ chức chính là khi những người nhiệt huyết nhất trở nên im lặng.” – Brigette Hyacinth
Khắc phục chúng như thế nào
Để giải quyết những vấn đề về văn hóa doanh nghiệp, những nhà lãnh đạo cần phải xác định các vấn đề cốt lõi rồi triển khai một chiến lược sửa đổi phù hợp. Cải thiện những văn hóa không lành mạnh thường mất khá nhiều thời gian, công sức, và cũng sẽ không thể diễn ra trong chốc lát. Tuy nhiên, với sự lãnh đạo tốt kết hợp với sự cởi mở trước những đổi mới, môi trường làm việc độc hại có thể dễ dàng bị loại bỏ giúp công ty dần dần tiến tới thành công.
1. Xác định các vấn đề cốt lõi
Bước đầu trong việc kiểm tra văn hóa tổ chức hay doanh nghiệp và đưa ra những giải pháp hữu ích đó là phải xác định được nguồn gốc dẫn đến sự độc hại ở nơi làm việc. Dù có rất nhiều dấu hiệu về một môi trường làm việc không lành mạnh, nhưng sau đây là năm đặc điểm cực kỳ quan trọng không thể nào bỏ qua.
Những lý do dẫn tới quyết định thôi việc của nhân viên (Nguồn: LinkedIn survey)
- Khả năng lãnh đạo kém: “nhân viên không bỏ việc, họ bỏ sếp của mình.” Nghiên cứu đã cho thấy một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới quyết định nghỉ việc của các nhân viên đó là do sếp tồi. Thay vì hướng dẫn và truyền cảm hứng, những vị lãnh đạo này lại thường xuyên đổ lỗi, đề ra hình phạt và tỏ ra thiếu công bằng đối với các nhân viên của mình. Điều này khiến họ cảm thấy kiệt sức và lo lắng do gánh nặng gắn liền với việc mắc lỗi sai hay không đạt được kỳ vọng cứ ngày một gia tăng.
- Nhân viên trở nên xa cách và thiếu động lực: điều này thường xảy ra khi các nhân viên bị đối xử như tài sản hơn là con người. Họ bị đặt trong một môi trường làm việc thiếu sự hỗ trợ, ở đó sức khỏe của họ không được để tâm còn những ý tưởng và đóng góp đều không được công nhận hay đánh giá cao.
- Tỷ lệ thôi việc cao: nếu một công ty liên tục phải tuyển nhân sự cho một hoặc nhiều vị trí với các nhân viên rời đi sau một thời gian ngắn, khả năng cao là họ đang đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng. Cái giá phải trả cho tỷ lệ thôi việc cao không chỉ nằm ở việc lấp đi chỗ trống mà còn liên quan đến những chi phí trực tiếp lẫn gián tiếp như chi phí tuyển dụng, đào tạo, chi phí cơ hội và thậm chí còn làm ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của toàn đội ngũ.
- Không hoàn thành công việc đúng thời hạn: trong trường hợp các nhân viên không hoàn thành công việc đúng thời hạn, nguyên nhân có thể là do kỹ năng quản lý thời gian kém, khối lượng công việc và thời hạn không thực tế, hoặc thiếu nỗ lực hợp tác và giao tiếp.
- Các hành vi bắt nạt: hình thức này thường mang tính tấn công cá nhân, bao gồm lan truyền tin đồn hay nói bóng gió về một đồng nghiệp nào đó. Ngoài việc làm sứt mẻ các mối quan hệ, điều này còn có thể gây ảnh hưởng nặng nề lên tâm lý của các nhân viên, khiến họ trở nên xa cách và sợ hãi khi đi làm.
2. Triển khai chiến lược sửa sai phù hợp
- Trân trọng và tương tác với các nhân viên: các nhà lãnh đạo cần phải trân trọng nỗ lực của nhân viên, lắng nghe ý tưởng cũng như những mối quan tâm của họ và luôn sẵn sàng giúp đỡ. Điều này giúp cho các nhân viên cảm thấy được khuyến khích và đánh giá cao, tạo điều kiện cho họ làm việc hiệu quả và khoa học hơn.
- Giao tiếp minh bạch: Thay vì tảng lờ những gì đang xảy ra trong công ty, những nhà quản lý cần phải chú trọng quan sát và nhanh chóng hành động bằng cách trực tiếp đối mặt và giải quyết các vấn đề tiềm ẩn ngay khi chúng vừa mới xuất hiện để giúp lực lượng lao động của mình trở lại đúng hướng.
- Đưa ra khối lượng công việc và thời hạn khách quan: các nhà lãnh đạo phải làm rõ các ưu tiên cũng như thời gian đủ để hoàn thành nhiệm vụ nhằm phân công chúng một cách phù hợp. Những khối lượng công việc và thời hạn cũng cần phải thiết thực, dựa trên thời gian và độ phức tạp của công việc cũng như năng lực và kinh nghiệm của từng nhân viên.
Kết luận
Điều hành và làm việc trong một môi trường lành mạnh và chuyên nghiệp thúc đẩy mọi cá nhân và công ty hướng tới gia tăng năng suất
Điều hành và làm việc trong một môi trường lành mạnh và chuyên nghiệp thúc đẩy mọi cá nhân và công ty hướng tới gia tăng năng suất, thái độ tích cực và tăng trưởng doanh thu. Các vị lãnh đạo, cũng như mọi cá nhân khác trong công ty, cần phải nhận thức được mọi thứ đang ở đâu, đang xảy ra vấn đề gì và vì sao lại như vậy, sau đó phải nhanh chóng triển khai và thực hiện một giải pháp hiệu quả để thay đổi theo hướng tốt hơn.
——————–
Bạn nghĩ như thế nào về bài viết này? Hãy comment cho chúng tôi biết ý kiến của bạn nhé!
Theo LinkedIn
PRIMUS – FIRST CLASS JOBS ONLY
test