• English

6 cách để các doanh nhân tận dụng lợi thế của stress và biến nó thành một món tài sản vô giá

Tại một thời điểm nào đó trong sự nghiệp của mình, mỗi người sẽ phải đối mặt với stress ở nơi làm việc, khiến cho năng suất và hiệu quả công việc cùng các mối quan hệ bị ảnh hưởng, thậm chí còn dẫn đến những vấn đề sức khỏe về thể chất và tâm lý. Những nguy cơ đó đều có thật, tuy nhiên, nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu stress được điều khiển hợp lý thì nó có thể sẽ trở thành một món tài sản quý giá và nâng cao mức độ hài lòng cũng như hiệu suất công việc nói chung. Hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến stress và thực hiện những bước quan trọng dưới đây sẽ giúp các doanh nhân lấy lại kiểm soát và phát triển trong những tình huống khó khăn một cách hiệu quả.

Stress là gì? Nó ảnh hưởng tới con người ra sao?

Stress là một cảm giác mà mọi người cảm nhận được khi họ đang bị quá tải hoặc phải xoay sở với nhiều yêu cầu lẫn trách nhiệm liên quan đến công việc, việc gia đình, các mối quan hệ, tài chính và rất nhiều những tình huống khác mà ở đó sức khỏe cũng như phúc lợi của họ đang bị đe doạ. Deadline kín mít, yêu cầu ngày một tăng cao, cố gắng đạt được kỳ vọng hay một vài dự án thất bại, v..v, là một số lý do cơ bản dẫn tới stress ở nơi làm việc. Khi một người đang gặp phải áp lực, vùng dưới đồi (hypothalamus) của họ tiết ra một lượng hooc môn lớn, bao gồm adrenaline và cortisol khiến nhịp tim và huyết áp tăng lên, đồng thời điều khiển tâm trạng và động lực làm việc của họ, làm gây ra một phản ứng có tên chiến-hay-chạy (fight-or-flight).

Stress có thể diễn ra tạm thời mà cũng có thể kéo dài; tuy nhiên, khi các yếu tố căng thẳng cứ liên tục hiện hữu, chúng có thể phá hoại gần như toàn bộ quá trình trong cơ thể. Căng thẳng mãn tính còn khiến con người có nguy cơ gặp phải những vấn đề như hành động hung hăng, sức khỏe tâm thần, các bệnh tim mạch hay những vấn đề liên quan đến giấc ngủ.

Tận dụng lợi thế của stress 

Stress là một phần không thể tránh khỏi trong công việc và cuộc sống. Tuy nhiên, nó có thể tốt hoặc xấu tuỳ theo cách cảm nhận của mỗi người. Thực chất, việc đối phó ra sao với áp lực sẽ cho thấy ai là một doanh nhân thành công và giúp họ có một lợi thế nghề nghiệp vững chắc. Sau đây là 6 cách mà các nhà điều hành cũng như những nhân viên có thể giảm thiểu mức độ stress và tận dụng nó để tiến về phía trước.

   1. Nghĩ khác về stress

Mọi người thực sự cần phải thay đổi thái độ của họ về stress. Thay vì coi nó như một trải nghiệm kinh hoàng, hãy thử nhìn nó từ một khía cạnh mới mà ở đó stress đóng vai trò là nguồn động lực hay chất xúc tác để hành động. Không có thành công nào mà không có khó khăn hay hy sinh, đó là lý do vì sao các doanh nhân nên coi stress là một trong những thử thách mà mình phải đối mặt và cho phép chúng mang lại niềm cảm hứng chứ không phải nỗi tuyệt vọng. Tư duy này sẽ củng cố động lực để tiếp tục làm việc và cố gắng đạt được mục đích.

   2. Hành động theo các mối ưu tiên

Stress và những cảm giác tiêu cực về nó làm ý thức hoặc nhận thức của ai đó bị giảm đi, khiến cho họ dễ dàng bị đắm chìm trong mớ công việc mà không biết nên làm gì trước tiên. Để tận dụng stress hiệu quả, hãy từ từ triển khai một chiến lược kỹ lưỡng, xác định những nhiệm vụ quan trọng nhất, rồi ưu tiên chúng thay vì những việc có thể thực hiện sau. Hơn nữa, dưới sức ép của stress, trong cuộc sống của mỗi người còn đột nhiên xuất hiện một cảm giác cấp bách. Do đó, các doanh nhân hãy tận dụng sự cấp bách ấy bởi nó có thể thúc đẩy bản thân hành động dựa trên những ưu tiên kia mà làm việc nhanh hơn và hiệu quả hơn.

   3. Điều khiển năng lượng hợp lý

“Vấn đề với việc làm việc quá nhiều giờ đó là thời gian là nguồn tài nguyên vô hạn, còn năng lượng thì đương nhiên không phải.”

Khi có quá nhiều yêu cầu và trách nhiệm phải lo toan, kết hợp với áp lực phải hoàn thành đúng hạn, hầu hết mọi người thường đối phó với những trường hợp như vậy bằng cách làm việc suốt nhiều giờ đồng hồ. Vấn đề với việc làm việc quá nhiều giờ đó là thời gian là nguồn tài nguyên vô hạn, còn năng lượng thì đương nhiên không phải. Nghiên cứu đã cho thấy não bộ thường hoạt động trong các đợt năng lượng cao kéo dài khoảng một giờ đồng hồ, sau đó là các đợt năng lượng thấp từ 15 – 20 phút. Vì thế, thay vì làm việc liên tiếp trong nhiều giờ đồng hồ rồi cố gắng đối phó với sự mệt mỏi, các nhà điều hành và nhân viên cần phải biết khi nào năng suất bắt đầu có dấu hiệu đi xuống để nghỉ ngơi nếu không muốn phải trả giá về cả thể chất lẫn tinh thần. 

   4. Duy trì một lối sống lành mạnh

Có một số phương pháp giúp làm giảm stress, chẳng hạn như tập yoga hay thiền, v..v. Ngoài ra, còn có một phương pháp hữu ích khác hay bị bỏ qua đó chính là xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh. Trong những tình trạng căng thẳng, loại hooc môn có tên cortisol sẽ làm tăng cảm giác thèm ăn, giải thích lý do vì sao nhiều người có xu hướng uống rượu và ăn quá nhiều đồ ăn có hàm lượng chất béo và/hoặc hàm lượng đường cao. Dù mang lại lợi ích trong một thời gian ngắn, nhưng về lâu về dài nó sẽ dẫn tới những căn bệnh nguy hiểm khác nhau như béo phì hoặc tiểu đường. Vì vậy, việc duy trì một lối sống lành mạnh là điều bắt buộc, bởi nó giúp cải thiện sự tuần hoàn máu và cung cấp chất dinh dưỡng cho não bộ, đồng thời làm suy giảm những tác động tiêu cực của stress lên hoạt động của con người và tạo một nền tảng vững chắc cho cơ thể.

   5. Tâm sự với người khác

Khi cố gắng đối phó với stress, việc tìm kiếm sự hỗ trợ và lời khuyên của người khác cũng là điều vô cùng quan trọng. Càng cô lập bản thân, con người càng dễ bị stress. Mặt khác, mở lòng trước những thành viên trong gia đình, bạn bè hoặc đồng nghiệp sẽ cho phép con người xác định rõ được vấn đề của họ, bớt đi một gánh nặng lớn, nhìn nhận sự việc từ một khía cạnh khác, và khám phá ra những cơ hội mới. Nói cách khác, nó chỉ ra cho con người những cách thức mới để vượt qua những vấn đề mà có lẽ bản thân họ không bao giờ có thể tự tìm ra được.

   6. Ghi lại hành trình và học hỏi từ những khó khăn đó

Xin nhắc lại, stress là một tình huống không thể tránh khỏi mà hầu như tất cả mọi người đều phải đối mặt ít nhất một lần trong cuộc sống. Họ có thể ghi lại hành trình chiến đấu với stress của mình, những gì họ đang được học và trải nghiệm từ những khó khăn và gian nan đó. Việc này cho phép con người nhìn lại bản thân và phát triển một kế hoạch hoặc giải pháp hợp lý hơn trong trường hợp các tình huống tương tự lặp lại. Hơn nữa, tài liệu này còn có thể đóng vai trò hỗ trợ hay thúc đẩy cho những người có thể sẽ phải đối mặt với những thách thức giống như thế trong tương lai.

Kết luận

Tuy stress kéo theo rất nhiều thách thức, nhưng nó cũng có thể đóng vai trò là một nguồn động lực cho mọi người tùy theo cách chúng ta nhìn nhận nó. Dưới áp lực nặng nề, các doanh nhân cần phải xây dựng một lối tư duy tích cực để biến nó thành một món tài sản quý giá đằng sau những thành công của mình.

Theo HuffPost + Entrepreneur + Life to the fullest

PRIMUS – TOP MANAGEMENT JOBS ONLY

Bình Luận