• English

3 Thách Thức Phổ Biến Khi Quản Lý Nhân Viên Từ Xa Và Cách Vượt Qua (Phần 1)

Dịch bệnh viêm phổi cấp COVID-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp và đã trở thành một đại dịch trên toàn cầu. Nó đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Nhằm giảm thiểu sự lây lan của virus corona, Thủ tướng Chính phủ và các doanh nghiệp trên toàn thế giới đã ra chỉ thị yêu cầu công dân của các quốc gia và nhân viên thuộc các công ty duy trì khoảng cách xã hội, đặc biệt là làm việc tại nhà; bởi vì đây được xem là giải pháp dễ thực hiện nhất và hiệu quả nhất dành cho tất cả mọi người.

Vậy những thuận lợi và khó khăn của giải pháp này là gì? Làm thế nào để các nhà lãnh đạo tạo nên một môi trường làm việc từ xa lý tưởng? Tất cả các câu trả lời sẽ được giải đáp trong bài viết sau đây.

Làm việc từ xa là gì?

Làm việc từ xa hay làm việc trực tuyến là phong cách làm việc có thể thay thế cho mô hình làm việc truyền thống tại văn phòng. Điều này dựa trên nhận định rằng không nhất thiết phải làm việc cố định ở một nơi thì mới có thể thành công.

Tự giác làm việc từ xa trong giai đoạn này là điều cực kỳ quan trọng bởi vì điều đó có thể tạo ra một rào cản về khoảng cách vật lý giữa hai hoặc nhiều người trong một khoảng thời gian, nhằm tránh việc lan truyền virus từ người này sang người khác.

Lợi ích khi làm việc từ xa

Số lượng nhân viên làm việc từ xa ngày càng gia tăng và mang lại một số lợi ích cho doanh nghiệp, chẳng hạn như:

   1. Ngăn chặn virus corona lây lan sang người khác

Virus corona có khả năng lây lan từ người sang người, tương tự như cách lây truyền của các bệnh về đường hô hấp khác, chẳng hạn như cúm. Chính vì thế, cách ly xã hội là một biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn hoặc hạn chế sự bùng phát dịch từ các cuộc tập hợp nơi đông người. Nhờ đó, chúng ta có thể làm chậm sự lây lan của COVID-19 từ việc cấm tập trung thành nhóm, đóng cửa một số nơi công cộng như trung tâm giải trí, quán bar, pub cho đến trường học và các khu vực bị phong toả.

   2. Cắt giảm những chi phí không cần thiết

Vận hành một doanh nghiệp thường đòi hỏi rất nhiều chi phí cho dù công ty có hạn chế sử dụng công nghệ đắt tiền hay công cụ marketing đi chăng nữa. Tuy nhiên, nếu như hầu hết nhân viên làm việc từ xa thì công ty có thể kiểm soát chi tiêu bằng cách cắt giảm những chi phí không cần thiết như chi phí di chuyển và các chi phí vận hành khác.

Theo Global Workplace Analytics, thực tế là các nhà tuyển dụng có thể tiết kiệm hơn $11.000 mỗi năm khi cho nhân viên làm việc từ xa. Đó được xem là con số khổng lồ nếu như đồng loạt 3,7 triệu nhân viên dành ít nhất một nửa thời gian để làm việc ở nhà. Đối với các công ty có xe buýt đưa đón dành cho nhân viên hoặc cho phép họ bật đèn sau 6 giờ tối, công ty có thể tiết kiệm một khoản tiền rất lớn trong đợt bùng phát COVID-19 này.

   3. Tạo sự linh hoạt cho nhân viên

Trên thực tế, phần lớn các chuyên gia cho rằng họ sẽ có xu hướng trung thành với công ty hơn nếu như có cơ hội làm việc trong quỹ thời gian linh động. Nhờ đó, họ có thể phát huy tối đa khả năng của mình, cảm thấy hào hứng và thoải mái với công việc. Đồng thời, họ có thể hoạt động năng suất hơn và có thêm thời gian ở nhà để chăm sóc con cái. Hơn thế nữa, cấp quản lý có thể dễ dàng đánh bại đối thủ khi có một đội ngũ nhân viên giỏi hơn, có nhiều động lực để làm việc hơn và tiết kiệm được một khoản ngân sách cho công ty.

Bên cạnh đó, làm việc tại nhà chính là góp phần bảo vệ sức khỏe của bản thân cũng như cải thiện năng suất làm việc. Công nhân tại Microsoft Japan là những trường hợp điển hình. Họ chỉ làm việc bốn ngày một tuần và tận hưởng đến ba ngày cuối tuần – nhưng vẫn nhận mức lương năm ngày như các công ty khác. Và kết quả là năng suất của toàn công ty đã tăng đến 40%.

Theo Harvard Business Review, Hubstaff

——————–

Bạn nghĩ gì về bài viết này? Hãy cho chia sẻ cho chúng tôi biết ý kiến của bạn nhé.

>>> Đọc tiếp phần 2 để hiểu thêm về những thách thức của cấp quản lý khi quản lý nhân viên từ xa và cách thức giải quyết.

PRIMUS – TOP MANAGEMENT JOBS ONLY

Bình Luận