Vì Sao Các Doanh Nghiệp Nên Chú Trọng Đầu Tư Vào An Ninh Mạng?
5 nămtrước 0 Bình luận 1.1k Views
Tội phạm mạng là một mối nguy lớn đối với các doanh nghiệp ở mọi quy mô sử dụng công nghệ kỹ thuật số trong quá trình vận hành hàng ngày. Vì vậy, đầu tư vào an ninh mạng cần phải là ưu tiên số một của tất cả các công ty nhằm bảo vệ dữ liệu bảo mật khỏi những tên tội phạm mạng nguy hiểm và tối đa hoá khả năng chống lại các mối đe dọa khôn lường.
An ninh mạng là gì?
An ninh mạng là sự bảo vệ mạng lưới, hệ thống, và dữ liệu khỏi các cuộc tấn công mạng. Nó áp dụng cho mọi hoạt động kinh doanh, bất kể là trong quân đội, tập đoàn, hay bệnh viện.
Đối với những doanh nghiệp đang trong thời kỳ chuyển đổi kỹ thuật số, tấn công mạng không chỉ nhắm vào một đối tượng hay cơ sở dữ liệu được kết nối mà còn lan rộng sang chuỗi cung ứng và hệ sinh thái đối tác / khách hàng. Những tên khủng bố mạng thường cố gắng xâm nhập hoặc sửa đổi thông tin nhạy cảm, tống tiền, hoặc vô hiệu hoá quy trình kinh doanh thông thường. Điều này có thể phá huỷ các tổ chức và gây nhiều thiệt hại cho cuộc sống và tài chính của người dùng.
Ngày nay, việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn tấn công mạng là điều vô cùng thiết yếu nếu không muốn bị chúng xâm nhập vào các mạng lưới hay thiết bị. Tuy vậy, rất nhiều tổ chức doanh nghiệp vẫn coi nhẹ vấn đề này và không nhìn nhận nó như một điều tất yếu. Thêm vào đó, tốc độ đổi mới công nghệ ngày một gia tăng cũng kéo theo vô vàn thách thức cho các doanh nghiệp, đòi hỏi con người, quy trình hoạt động, và công nghệ phải bổ sung cho nhau để có thể triển khai được chiến lược giảm thiểu rủi ro hiệu quả.
Phân loại các mối đe dọa an ninh mạng
Để bảo vệ con người và tổng thể công ty khỏi những cuộc tấn công mạng, tất cả mọi người phải phân biệt được những mối nguy hại khác nhau. Có rất nhiều loại tấn công, từ cài đặt phần mềm độc hại vào máy tính cá nhân cho tới huỷ hoại cơ sở hạ tầng mạng của cả tổ chức, nhưng chúng thường rơi vào ba trường hợp đó là: tấn công vào khía cạnh bảo mật (confidentiality), toàn vẹn (integrity), và sẵn sàng (availability).
1. Tấn công vào khía cạnh bảo mật
Những kẻ tấn công có thể thực hiện nhiều phương thức nhằm phá huỷ tính bảo mật. Một vài ví dụ có thể kể đến tấn công phi kỹ thuật (social engineering – thao túng tâm lý của người khác để họ thực hiện một hành động nào đó hay tiết lộ thông tin về mạng lưới có thể được sử dụng để đánh cắp hoặc xâm nhập dữ liệu trái phép); lừa đảo (phishing – hack thông tin nhạy cảm như tài khoản ngân hàng, thông tin thẻ tín dụng, v..v. bằng cách gửi những email lừa đảo); nghe lén (wiretapping – hack các thiết bị viễn thông để nghe lén điện thoại); hay đánh cắp mật khẩu.
2. Tấn công vào khía cạnh toàn vẹn
Tấn công kiểu salami (salami attacks – một loạt những tấn công an ninh nhỏ dẫn tới một cuộc tấn công lớn hơn) và lừa đảo dữ liệu (data diddling attacks – thay đổi dữ liệu bất hợp pháp) là hai ví dụ về tấn công lên khía cạnh toàn vẹn. Một tên hacker sẽ xâm nhập các thông tin bảo mật nhằm mục đích điều chỉnh một vài hoặc tất cả các mục trong cơ sở dữ liệu, làm rò rỉ và ăn cắp dữ liệu bí mật, làm giả thông báo truyền thông, qua đó khiến cho công chúng mất niềm tin vào tổ chức ấy. Những mục tiêu nhiều khả năng bị tấn công là các quy trình hoạt động công nghiệp, hồ sơ bán lẻ của khách hàng hoặc các giao dịch tài chính.
3. Tấn công vào khía cạnh sẵn sàng
Một khía cạnh khác của an ninh mạng đó là khía cạnh sẵn sàng. Loại tấn công mạng này thường nhằm mục đích xâm nhập vào mạng và chặn quyền truy cập dữ liệu của người dùng trừ khi họ đồng ý trả phí hoặc tiền chuộc. Hình thức phổ biến nhất là tấn công DDoS (Distributed Denial of Service hay Tấn công từ chối dịch vụ – làm gián đoạn lưu lượng truy cập bình thường của một máy chủ, dịch vụ hoặc mạng bằng cách truyền lưu lượng ồ ạt vào máy chủ.
Thế nào là chú trọng đầu tư vào an ninh mạng?
Trước tiên, các công ty buộc phải hiểu rõ mục tiêu cơ bản của việc đầu tư vào an ninh mạng, đó là: bảo vệ dữ liệu khách hàng trong mô hình kinh doanh business to consumer (B2C) và/hoặc bảo vệ dữ liệu của đối tác trong mô hình kinh doanh business to business (B2B). Từ đó, các tổ chức sẽ có thể bảo vệ con người cũng như toàn bộ hoạt động kinh doanh của chính họ khỏi những nguy cơ bị tấn công mạng, rò rỉ dữ liệu và tống tiền.
Không dễ để ước lượng chi phí an ninh mạng – đây là một khoản vô hình phụ thuộc vào mô hình kinh doanh và cách thức hoạt động của doanh nghiệp. Hơn nữa, việc công ty không thể nhận thức được mối đe dọa đó là gì và mức độ gây rối của nó ra sao cũng khiến cho việc đầu tư khá khó khăn. Nói cách khác, nó phải phụ thuộc vào liệu đó là loại tấn công DDoS làm trang web bị sập hay do virus độc hại xâm nhập vào khiến cho hệ thống thất bại. Ngoài ra, các công ty cũng nên cân nhắc đầu tư vào bảo hiểm an ninh mạng. Nhìn chung, các nhà phân tích kinh doanh dự đoán các công ty nên bỏ ra số tiền trung bình khoảng 5% ngân sách mảng công nghệ thông tin. Thông thường, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tài chính là những lĩnh vực chi nhiều nhất nhằm mục đích giảm thiểu rủi ro an ninh.
Bảo mật thông tin không chỉ là mối quan tâm của riêng kỹ sư và các nhà phân tích kinh doanh mà là trách nhiệm của tất cả mọi người. Vì vậy, các công ty nên triển khai những chương trình đào tạo nhằm nâng cao nhận thức về an ninh mạng cho tất cả các nhân viên và quản lý, nhấn mạnh vào các trách nhiệm liên quan đến cảnh giác an ninh. Việc này bao gồm giúp các nhân viên biết về những rủi ro bảo mật cùng những biện pháp tiềm năng để nhận thức và giảm thiểu các mối đe dọa; nó tác động như thế nào lên năng suất, độ an toàn cùng tính bảo đảm trong công việc.
Kết luận
Trong thời đại dữ liệu lớn (big data), những cuộc tấn công mạng là các mối đe dọa luôn hiện hữu cần phải được chủ động hiểu và chống lại để đảm bảo các hệ thống và cơ sở dữ liệu không rơi vào tay những tên tội phạm mạng nguy hiểm. Các công ty cần bắt đầu xây dựng văn hoá an ninh mạng và đặt nó làm ưu tiên hàng đầu bằng cách đầu tư vào những gói hay công cụ bảo vệ, đồng thời đào tạo và hướng dẫn nhân viên về các phương thức bảo mật tối ưu nhất nhằm thúc đẩy họ nâng cao nhận thức an ninh.
Theo Forbes + Big Data Made Simple + OmniSecu
——————–
Bạn nghĩ như thế nào về bài viết này? Hãy cho chúng tôi biết ý kiến của bạn nhé!
PRIMUS – TOP MANAGEMENT JOBS ONLY