• English

Tại Sao Sức Khỏe Tinh Thần Lại Quan Trọng?

Khi nói đến sức khỏe, chúng ta thường nghĩ về một cơ thể khỏe mạnh và mọi bộ phận thực hiện tốt chức năng của nó, tuy nhiên chúng ta lại quên đi sức khỏe của một bộ phận quan trọng nhất – bộ não, hay còn gọi là sức khỏe tinh thần. 

Không có sức khỏe tinh thần sẽ gây tổn hại đến khả năng làm việc 

Khoảng 15% các bệnh trên thế giới là bệnh tâm thần. Thách thức của chứng rối loạn tâm thần đặc biệt nghiêm trọng hơn ở Hoa Kỳ, nơi ước tính cứ năm người trưởng thành thì có một người bị những chứng bệnh về tâm thần. Trầm cảm là một trong những bệnh tâm thần phổ biến nhất, ảnh hưởng đến khoảng 300 triệu người trên toàn thế giới. Trầm cảm lan rộng đến mức WHO đã dự đoán rằng, đến năm 2030, nó sẽ là nguyên nhân hàng đầu của gánh nặng bệnh tật toàn cầu. 

Một nhân viên có sức khỏe không đảm bảo, chắc chắn sẽ không thể đem đến kết quả tốt trong công việc, cho dù đó là sức khỏe vật lý hay sức khỏe tinh thần. Theo Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Sainsbury, Anh, bằng cách chăm sóc cho nhân viên thông qua chú trọng vào sức khỏe tinh thần, tổ chức có thể cải thiện sức khỏe của doanh nghiệp: sức khỏe tinh thần tốt hơn tại nơi làm việc có thể tiết kiệm cho các doanh nghiệp Anh tới 8 tỷ bảng mỗi năm. Một nghiên cứu gần đây của WHO ước tính rằng trầm cảm và rối loạn lo âu gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 1 nghìn tỷ đô la Mỹ mỗi năm vì mất năng suất. Một môi trường làm việc tiêu cực có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần, lạm dụng các chất có hại như rượu, chất gây nghiện, gây vắng mặt và mất năng suất. Trong khi đó, những nơi làm việc thúc đẩy sức khỏe tinh thần và hỗ trợ những người bị rối loạn tâm thần có nhiều khả năng tăng năng suất và lợi ích kinh tế liên quan.

Các yếu tố rủi ro liên quan đến công việc đối với sức khỏe

Có nhiều yếu tố rủi ro cho sức khỏe tinh thần ẩn chứa trong môi trường làm việc. Hầu hết các rủi ro liên quan đến sự tương tác giữa loại hình công việc, môi trường tổ chức và quản lý, kỹ năng và năng lực của nhân viên và hỗ trợ có sẵn cho nhân viên để thực hiện công việc của họ. Ví dụ, một người có thể có các kỹ năng để hoàn thành các nhiệm vụ, nhưng họ có thể có quá ít tài nguyên để thực hiện những gì được yêu cầu hoặc có thể không nhận được sự hỗ trợ. Rủi ro cũng có thể liên quan đến nội dung công việc, chẳng hạn như các nhiệm vụ không phù hợp với năng lực của người khác hoặc khối lượng công việc nhiều và liên tục. Một số công việc có thể có rủi ro cá nhân cao hơn những công việc khác (ví dụ: người ứng cứu và nhân viên nhân đạo), có thể có tác động đến sức khỏe tâm thần và là nguyên nhân gây ra các triệu chứng rối loạn tâm thần, hoặc dẫn đến sử dụng rượu hoặc thuốc tâm thần có hại. 

Tạo ra một nơi làm việc lành mạnh

Một nơi làm việc lành mạnh có thể được mô tả là một tổ chức mà người lao động và người quản lý đóng góp tích cực vào môi trường làm việc bằng cách thúc đẩy và bảo vệ sức khỏe, sự an toàn và hạnh phúc của tất cả nhân viên. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF, doanh nghiệp có thể tiếp cận theo ba hướng: (1) Bảo vệ sức khỏe tâm thần bằng cách giảm các yếu tố rủi ro liên quan đến công việc, (2) Thúc đẩy sức khỏe tinh thần bằng cách phát triển các khía cạnh tích cực của công việc và thế mạnh của nhân viên và (3) Giải quyết các vấn đề sức khỏe tâm thần bất kể nguyên nhân. Thông qua 3 hướng tiếp cận này, doanh nghiệp có thể có một số hành động chi tiết để tạo ra một nơi làm việc lành mạnh hơn, ví dụ như:

  1. Nhận thức về môi trường làm việc và làm thế nào để điều chỉnh nó nhằm thúc đẩy sức khỏe tinh thần tốt hơn cho các nhân viên khác nhau.
  2. Học hỏi từ động lực của các nhà lãnh đạo trong tổ chức và nhân viên đã vượt qua bệnh lý tâm thần thành công
  3. Hiểu các cơ hội và nhu cầu của từng nhân viên để phát triển các chính sách tốt hơn cho sức khỏe tinh thần tại nơi làm việc.
  4. Nhận thức về các nguồn hỗ trợ và nơi mọi người có thể tìm thấy sự giúp đỡ.

Các chương trình nâng cao sức khỏe tinh thần nên được xác định là một phần của chiến lược tổng thể về sức khỏe và phúc lợi cho nhân viên. Chìa khóa thành công của một doanh nghiệp khỏe mạnh hơn chính là sự tham gia của các bên liên quan: bao gồm doanh nghiệp, người quản lý và nhân viên ở tất cả các cấp khi cùng nhau hợp tác, trao đổi, đóng góp tích cực để cải thiện tình trạng sức khỏe không chỉ của một cá nhân, mà còn là của doanh nghiệp.

——————–

Bạn nghĩ như thế nào về bài viết này? Hãy comment cho chúng tôi biết ý kiến của bạn nhé!

PRIMUS – FIRST CLASS JOBS ONLY

Bình Luận