• English

Đã Đến Lúc Các Công Ty Triển Khai Marketing Hướng Đến Nhóm Người Cao Tuổi

Tỷ lệ sinh và tỷ lệ tử vong giảm đáng kể kết hợp với tuổi thọ tăng là những nguyên nhân khiến cho lượng dân số cao tuổi ở hầu hết các quốc gia đều gia tăng chóng mặt. Tuy vậy, thị trường người cao tuổi trên khắp thế giới vẫn không được tiếp cận. Các công ty nên tận dụng cơ hội này và nhanh chóng triển khai một chiến lược hiệu quả để có thể cải thiện dịch vụ cho người cao tuổi cũng như giành được lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ của mình. 

Thị trường không được phục vụ

Trên thế giới, nhóm tuổi từ 60 trở lên được dự đoán sẽ tăng hơn gấp đôi cho tới năm 2050. Tại Việt Nam, thống kê từ nhiều nguồn đã cho thấy năm 2018, tỷ lệ người lớn tuổi (trên 55 tuổi) vào khoảng 16% và dự định sẽ chiếm một phần năm tổng dân số trong vòng 10 năm tới. Tuy dân số già hoá như vậy nhưng vẫn chưa có nhiều nỗ lực tiếp thị tới phân khúc người lớn tuổi.

Ngày nay, có rất nhiều lý do dẫn tới việc nhóm đối tượng này không được tiếp cận; tuy nhiên, (1) ám ảnh với thế hệ trẻ và (2) định kiến về tuổi già có lẽ chính là hai yếu tố quan trọng nhất ngăn cản các doanh nghiệp xâm nhập thị trường chưa được khai thác này.

   1. Ám ảnh với giới trẻ

Theo Havas Group, chỉ có khoảng 5% chiến dịch quảng cáo ở Mỹ hướng tới nhóm người trên 50 tuổi. Tất cả mọi người đều cho rằng một nhãn hàng với chiến lược marketing tốt phải nhắm tới khách hàng dưới 35 tuổi. Và việc dân số thế giới già hóa quá nhanh cũng khiến các doanh nghiệp chậm thích nghi với sự thay đổi nhân khẩu học đó. Vì thế, nhiều năm nay đa số thị trường tiêu dùng vẫn chỉ tập trung vào giới trẻ, cố gắng chiếm được sự chú ý của họ qua nỗ lực tiếp thị sản phẩm bởi họ “ưa dùng nhãn hàng hay sản phẩm mới hơn”, còn nhóm người cao tuổi thường chậm và không sẵn sàng thay đổi thói quen chi tiêu.

   2. Định kiến về tuổi già

Các công ty đang đối xử với phân khúc khách hàng lớn tuổi theo những cách khó hiểu như thể có một nỗi sợ tuổi già hoặc xem nó như một căn bệnh hay một lời nguyền cần phải phá bỏ bằng mọi cách chứ không phải một quá trình tự nhiên. Và bởi vì quảng cáo được coi là “hình ảnh phản chiếu” của những giá trị xã hội, người lớn tuổi thường bị mô tả là cô đơn, lệ thuộc và low-tech (thiếu hiểu biết về công nghệ) với sức mua yếu.

  • Cô đơn và lệ thuộc: Người cao tuổi ngày nay khác xa so với những gì phía marketing thường mô tả như ngồi xe lăn hay tay chống gậy. Ngược lại, lối sống của người cao tuổi hiện giờ lành mạnh hơn, vui vẻ và chủ động hơn rất nhiều nhờ mức sống và điều kiện được cải thiện. Họ không lệ thuộc mà trở nên kết nối hơn, muốn dành nhiều thời gian sống hoà thuận với cả những người thuộc thế hệ của mình cũng như thế hệ trẻ hơn. 
  • Thiếu hiểu biết về công nghệ hay low-tech: Đúng là người lớn tuổi thường không quen với những công nghệ phức tạp bằng giới trẻ, họ có thể được chỉ dẫn và thậm chí còn am hiểu công nghệ hơn những gì mọi người nghĩ về họ nhiều. Theo Pew Research Center, 31% người dân từ 75 đến 79 tuổi sử dụng smartphone, 67% người lớn từ 65 tuổi trở lên truy cập mạng mỗi ngày với 70% sử dụng Facebook hàng ngày cùng lượng tương tác với tin tức trên mạng xã hội ở mức ngang ngửa với người dùng ở độ tuổi từ 18 đến 29.
  • Sức mua yếu: Chỉ riêng tại Mỹ, lượng chi tiêu của người trên 50 tuổi vào năm 2015 chiếm gần 8 nghìn tỷ đô la, và được dự đoán sẽ chiếm 60% tổng mức tăng trưởng tiêu dùng đô thị ở khu vực Tây Âu và Đông Bắc Á cho tới năm 2030. Nhóm này chi nhiều hơn giới trẻ ở các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, giao thông, nhà cửa và giải trí. Thêm vào đó, các nghiên cứu cũng cho thấy sự tăng trưởng vượt bậc trong mức tiêu dùng trực tuyến của nhóm khách hàng trên 50 tuổi với 68% số người mua sắm online mỗi tháng, bỏ ra 7 tỷ đô mỗi năm trên các trang web thương mại điện tử. 

Phương thức thực hành marketing hướng tới người lớn tuổi tốt nhất

Chiến dịch “I Am What I Makeup” (2019) của hãng mỹ phẩm Covergirl với sự tham gia của người mẫu 70 tuổi Maye Musk (Nguồn: Youtube)

   1. Đừng quan tâm đến tuổi tác 

Hãy quên những con số kia đi và đừng xác định con người theo số tuổi của họ nữa. Các thống kê phía trên đã chứng tỏ rằng tuổi tác không hề quan trọng, và giữa người cao tuổi và giới trẻ cũng có nhiều điểm tương đồng về niềm tin, giá trị và thái độ. Loại bỏ những định kiến cùng những mô tả lố bịch về thế hệ lớn tuổi sẽ giúp các công ty khám phá thêm nhiều cơ hội mới, đồng thời cho phép khách hàng cảm thấy được trân trọng, gắn kết hơn trong cộng đồng và tận hưởng cuộc sống nhiều hơn. Các công ty hãy bắt đầu nhắm tới họ với một âm điệu lạc quan, hiện đại, và tiến bộ.

   2. Cá nhân hoá

Không phải người nào trên 50 tuổi cũng giống nhau, vì thế, hãy tránh đưa ra các giả định chỉ vì họ thuộc cùng một nhóm nhân khẩu học. Có hai nhóm phân khúc chính trong thị trường người lớn tuổi, bao gồm nhóm chưa nghỉ hưu (trên 45 tuổi) và đã nghỉ hưu, và các hành vi hoặc thái độ của họ có thể sẽ có khác biệt đáng kể. Vì vậy, hãy ưu tiên xác định và cá nhân hóa chiến lược marketing và truyền thông dựa theo tình trạng làm việc cũng như trình độ học vấn, văn hóa, hoàn cảnh xã hội, địa điểm, v..v.

   3. Thông điệp rõ ràng, súc tích

Vận động viên Sơ Madonna Buder 89 tuổi trong quảng cáo “Unlimited” (2016) của Nike (Nguồn: Youtube)

Trách nhiệm của một nhà tiếp thị đó là tạo ra một chiến dịch phù hợp và đồng cảm với đối tượng mục tiêu. Khác với marketing cho khách hàng trẻ tuổi, những người hiểu rõ những thuật ngữ thời thượng, tiếng lóng hay từ viết tắt trên Internet, đối tượng lớn tuổi thích những thông điệp rõ ràng, súc tích giúp họ cảm thấy được tôn trọng. Đồng thời, cần cân nhắc cả những khả năng của họ như khả năng đọc và chọn cỡ chữ lớn hơn khi làm quảng cáo. Nói chung, các nhãn hàng cần phải cung cấp các sản phẩm hay nội dung rõ ràng, giàu thông tin, thực tế mang tính giáo dục có thể nói lên cuộc sống và khát vọng của họ. Nhiều người có lẽ sẽ lầm tưởng rằng chiến lược như vậy thì quá nghiêm túc hoặc tẻ nhạt – tuy nhiên, nhà tiếp thị giỏi phải biết rõ làm sao để tạo nên một chiến dịch vừa vui vẻ, sáng tạo, lại vừa điềm tĩnh và truyền cảm hứng. 

   4. Trải nghiệm khách hàng 

Chưa rõ liệu đối tượng khách hàng cao tuổi có trung thành với thương hiệu hơn những người trẻ hay không, nhưng họ thường sẵn sàng trả nhiều tiền hơn và ít nhạy cảm hơn về giá cả, đồng thời có kỳ vọng cao hơn về chất lượng sản phẩm cũng như hỗ trợ khách hàng. Do đó, việc cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng chất lượng và giữ liên lạc với khách ngay cả sau khi họ đã mua hàng là điều hết sức quan trọng. Không chỉ người lớn tuổi, mà tất cả mọi người đều muốn được cảm thấy kết nối và hỗ trợ bởi các nhãn hàng, và thể hiện được rằng mình đáng tin cậy chắc chắn sẽ giúp các công ty có được lòng tin và lòng trung thành từ các khách hàng.

Kết luận

Thị trường người cao tuổi là một thị trường lớn với sức mua mạnh mẽ, nhưng vẫn bị thờ ơ hoặc đánh giá thấp qua nhiều kỳ vọng thiếu thực tế về tuổi tác. Đã đến lúc các thương hiệu phải loại bỏ những định kiến lố bịch về khách hàng lớn tuổi và bắt đầu tiếp thị tới họ một cách hợp lý với sự tôn trọng. Làm như vậy, các công ty mới có thể trao quyền cho nhóm đối tượng không được khai thác và cải thiện chất lượng sống của họ, đồng thời thu được nhiều lợi nhuận kinh tế.

——————–

Bạn nghĩ như thế nào về bài viết này? Hãy comment cho chúng tôi biết ý kiến của bạn nhé!

Theo SheerID + FastCompany + AdWeek

PRIMUS – FIRST CLASS JOBS ONLY

Bình Luận