• English

Cải Thiện Bình Đẳng Giới Nơi Làm Việc: Chính Phủ Và Công Ty Các Nước Châu Á Thái Bình Dương Đang Làm Gì?

Châu Á Thái Bình Dương ngày nay đang trở thành một trong những khu vực sáng tạo nhất trên thế giới, được thúc đẩy bởi năng suất, tỷ trọng đầu tư, công nghệ, và sự cải tiến mạnh mẽ. Lực lượng lao động năng động và am hiểu công nghệ cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì và gia tăng mức độ tăng trưởng của châu Á. Tuy nhiên, lợi ích về kinh tế vẫn chưa thể mang lại sự bình đẳng giữa phụ nữ và đàn ông dù nhiều nỗ lực đã được chính những người phụ nữ quyền lực tạo ra nhằm giúp người dân thoát khỏi tình trạng nghèo đói.

Tình trạng bình đẳng giới nơi làm việc ở các nước châu Á Thái Bình Dương

Tình trạng bất bình đẳng giới tại khu vực châu Á Thái Bình Dương (Nguồn: MGI)

Theo một nghiên cứu về bình đẳng giới ở khu vực châu Á do Viện Toàn cầu McKinsey (McKinsey Global Institute – MGI in 2015) thực hiện, có một mối liên kết mạnh mẽ giữa bình đẳng giới về vai trò của phụ nữ trong công việc và toàn xã hội – yếu tố thứ nhất sẽ không thể đạt được nếu như không có yếu tố thứ hai. Sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng lao động bị hạn chế bởi sự phân chia việc nhà thiếu đồng đều, vốn tồn tại bởi quan niệm cho rằng phụ nữ phải chăm lo cho công việc gia đình nhiều hơn nam giới.

MGI sử dụng chỉ số bình đẳng giới (Gender Parity Index – GPI) để đo khoảng cách tiến gần đến bình đẳng (đặt mốc 1.00) của mỗi quốc gia. Chỉ số 0.56, thấp hơn một chút so với mức trung bình toàn cầu là 0.61, cho thấy bất bình đẳng giới vẫn đang là một vấn đề cấp bách ở khu vực châu Á Thái Bình Dương. Về độ bình đẳng trong công việc, tất cả các quốc gia đều cần tiến bộ rất nhiều để có thể đạt được mức bình đẳng. Với chỉ số GPI là 0.55, Việt Nam đứng ở top giữa trong khu vực và vẫn còn một chặng đường dài phía trước – tương tự như các quốc gia châu Á khác.

Hơn nữa, mặc dù gần đây số lượng phụ nữ giữ vai trò quản lý hoặc chủ doanh nghiệp đang trên đà tăng cao, với các ví dụ ở Việt Nam như bà Lê Diệp Kiều Trang (Christy Lê) – CEO gần nhất của GoViet hay bà Nguyễn Thị Phương Thảo – CEO của VietJet Air,… nhưng phụ nữ châu Á nắm vị trí lãnh đạo vẫn là nhóm thiểu số. Ước tính chỉ có khoảng một phụ nữ trên bốn nam giới đảm nhiệm vai trò quản lý.

Thêm vào đó, cũng giống như các nơi khác trên thế giới, phụ nữ ở khu vực châu Á Thái Bình Dương cũng phải đối mặt với khoảng cách thu nhập đáng kể ở hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, các vị trí công việc trên khắp các ngành nghề dù có nền tảng và trình độ học vấn tương đương.

Mức lương trung bình cho các vị trí nghề nghiệp chung theo giới tính (Nguồn: Earnest)

Các nhà hoạch định chính sách và tổ chức có thể làm gì để cải thiện tình trạng này?

MGI tin rằng việc thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc ở các nước thuộc khối châu Á Thái Bình Dương sẽ có thể tăng thêm 4,5 nghìn tỷ đô la vào GDP hàng năm của các nước tới năm 2025, tăng cường tăng trưởng kinh tế và giúp người dân thoát khỏi tình trạng đói nghèo. Để làm được điều đó, các nhà hoạch định chính sách cùng các tổ chức cần phải hành động ngay lập tức trong năm lĩnh vực chính, bao gồm (1) tăng cường sự tham gia của nữ giới trong lực lượng lao động, (2) giải quyết vấn đề thiếu tiếng nói và đại diện của phụ nữ trong vai trò lãnh đạo, (3) mở rộng truy cập công nghệ kỹ thuật số, và (4) thay đổi các chuẩn mực xã hội và định kiến về vai trò của phụ nữ trong công việc và toàn xã hội.

   1. Tăng cường sự tham gia của nữ giới trong lực lượng lao động

Theo MGI, phụ nữ thực hiện các công việc nội trợ nhiều gấp bốn lần so với nam giới, và điều này làm cản trở họ khỏi làm việc bên ngoài. Tạo điều kiện cho phụ nữ linh hoạt hơn giữa trách nhiệm gia đình và sự nghiệp riêng sẽ giúp họ phát triển được khả năng của mình cũng như đóng góp giá trị bản thân nhiều hơn cho tổ chức và xã hội. Điều này có thể được thực hiện bằng cách chia sẻ công việc nhà công bằng hơn giữa phụ nữ và nam giới, tăng cường dịch vụ chăm sóc trẻ với chi phí hợp túi tiền cho các cặp vợ chồng, cải thiện cơ sở hạ tầng hộ gia đình và giao thông, tận dụng các công nghệ kỹ thuật số, tkhuyến khích chế độ thai sản cho nam giới và thời gian làm việc linh hoạt cho phụ nữ.

   2. Giải quyết vấn đề thiếu tiếng nói và đại diện của phụ nữ trong vai trò lãnh đạo

Có một số rào cản ngăn trở phụ nữ khỏi việc đảm nhiệm những vai trò cấp cao trong công ty như kỳ vọng cho rằng phụ nữ nên ưu tiên các trách nhiệm gia đình hơn các cơ hội nắm quyền lãnh đạo, thiếu dịch vụ chăm sóc con trẻ giá cả hợp lý, thiên vị có ý thức hay vô thức tại nơi làm việc, và ít sự lựa chọn làm việc linh hoạt cho nhân viên nữ. Các công ty cần phải cam kết đưa đa dạng giới tính lên làm chủ đạo trong quá trình hoạt động, đề xuất nhiều phương thức làm việc linh hoạt để có thể đạt được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, và triển khai các chương trình cung cấp cố vấn (mentorship) và xây dựng kỹ năng (skill-building) cho phụ nữ. 

   3. Mở rộng truy cập công nghệ kỹ thuật số

Những đổi mới về công nghệ đang gia tăng với tốc độ chóng mặt và là một động lực cho sự tăng trưởng kinh tế. Sự gia tăng của nền thương mại điện tử (e-commerce) và nền kinh tế gig (kinh tế tự do) trực tuyến mang lại cho phụ nữ sự linh hoạt về thời gian và địa điểm làm việc, cho phép họ cân bằng công việc với trách nghiệm gia đình. Như vậy, việc được tiếp cận nhiều hơn với công nghệ kỹ thuật số sẽ mở ra nhiều cánh cửa kinh tế hơn cho phụ nữ và kết nối họ với các thị trường lớn hơn một cách hiệu quả.

Thêm vào đó, kiến thức về công nghệ kỹ thuật số có thể giúp trao quyền cho phụ nữ và củng cố cơ hội làm việc của họ. Với việc các ngành công nghiệp trở nên cạnh tranh hơn bao giờ hết, các công ty đều yêu cầu nhân viên của họ phải có hiểu biết và năng lực về công nghệ để có thể bắt kịp với những thay đổi chóng mặt và giữ lợi thế so với các đối thủ. Do đó, việc tiếp cận các công nghệ kỹ thuật số sẽ cho phép họ thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số, trang bị kỹ năng và sự tự tin để củng cố bản thân, và thúc đẩy sự tham gia của họ vào thị trường lao động.

   4. Thay đổi các chuẩn mực xã hội và định kiến về vai trò của phụ nữ trong công việc và toàn xã hội

Ở rất nhiều quốc gia, phụ nữ vẫn thường bị kìm hãm do những thái độ và nhận thức truyền thống về vai trò giới tính. Phụ nữ được coi là người chăm sóc gia đình, và đó là lý do vì sao đa số phải lo toan cho hầu hết các công việc nội trợ và đối mặt với sự phân biệt đối xử tại môi trường làm việc. Để đảm bảo tất cả các phụ nữ đều có quyền tiếp cận bình đẳng đến cơ hội làm việc mà không bị phân biệt đối xử, đặc biệt là dựa trên những định kiến giới tính, các chính phủ, tổ chức, và cá nhân từ mọi cộng đồng cần hợp sức thay đổi các tư tưởng và thái độ xã hội về họ bằng những phương thức tiếp cận tiên tiến và đổi mới, tổ chức các chiến dịch và quảng cáo đề cập tới và nâng cao quyền phụ nữ trong công việc và toàn xã hội.

Kết luận

Đúng là đã có rất nhiều tiến bộ trong việc loại bỏ rào cản về vấn đề tham gia và phát triển của phụ nữ trong thị trường lao động, nhưng tình trạng bất bình đẳng giới ở môi trường làm việc của các quốc gia thuộc khối châu Á Thái Bình Dương vẫn còn hiện hữu. Đảm bảo quyền phụ nữ và tạo cơ hội cho họ đạt được tiềm năng tối đa là điều hết sức thiết yếu không chỉ với mục đích trao quyền cho họ mà còn nhằm đạt được tăng trưởng kinh tế cao hơn. Vì vậy, các công ty, những nhà hoạch định chính sách cùng mọi cá nhân cần phải có những hành động phối hợp và nhất quán đề có thể đạt được sự phát triển ở cả cấp độ cá nhân và quốc gia.

Theo McKinsey

——————–

Bạn nghĩ như thế nào về bài viết này? Hãy cho chúng tôi biết ý kiến của bạn nhé!

PRIMUS – TOP MANAGEMENT JOBS ONLY

Bình Luận